Thành công sẽ đến với những ai biết rõ mình muốn điều gì và không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được điều đó. - Alexander Graham Bell
Tôi vẫn cho rằng mình hoàn toàn hiểu được ý nghĩa hai từ “quyết tâm” và “kiên trì” là gì. Trong suy nghĩ của tôi, đó là sự nỗ lực và cố gắng hết sức mình. Chỉ đến khi tôi đọc cuốn “Bí quyết để đạt được điều mong ước” của Mike Hernacki, và trải nghiệm thực tế với những thất bại, những lúc tuyệt vọng, mất niềm tin vào bản thân, tôi mới nhận ra rằng mình chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa đích thực của hai từ này. Theo Mike Hernacki, chìa khóa để đạt được những điều mong ước là lòng quyết tâm làm bất cứ điều gì mà bạn cho là cần thiết để hoàn thành mục tiêu. Vậy, trước khi đưa ra kết luận, tôi muốn nhấn mạnh rằng: “Bất cứ điều gì mà bạn cho là cần thiết” không bao gồm tất cả phảm trù của cuộc sống, nghĩa là ngoại trừ những gì bất hợp pháp hay những gì làm tổn hại nghiêm trọng đến người khác.
Đương nhiên, thường thì bạn không thể biết được bạn phải cần đến bao nhiêu bước để có thể đạt đến mục tiêu của mình. Để thành công, tất cả những gì mà bạn cần là lòng quyết tâm theo đuổi mục tiêu đặt ra của mình mà không cần phải biết bạn sẽ bước bao nhiêu bước nữa để đi đến đó. Hãy tâm niệm một điều: Hãy luôn hướng về phía trước!
Thế còn nghĩa của từ “kiên trì” là gì?
Lòng kiên trì của bạn được gây dựng trên cơ sở của sự quyết tâm. Có nghĩa là, một khi đã quyết tâm để làm một việc gì đó, bạn sẽ phải đi đến cùng với mục tiêu đã định.
Một khi đã quyết tâm và sẵn sàng làm điều mình muốn, ban sẽ lên kế hoạch để hướng công việc, hành động và các mối quan hệ của mình đến gần với mục tiêu hơn. Ví dụ, khi bạn quyết định sẽ viết một cuốn sách và mơ ước trở thành nhà văn, mọi sự chú ý cũng như tất cả các quan sát của bạn sẽ tập trung vào những gì có thể giúp bạn có tư duy và vốn sống để trở thành nhà văn. Bạn sẽ có thể tình cờ quen biết với một nhà ngôn ngữ học hay đột nhiên phát hiện một cuốn sách tạo cảm hứng và hướng dẫn cho bạn về lĩnh vực này. Hoặc bạn sẽ khám phá cuộc sống nội tâm qua những mảnh đời, những số phận, những tâm sự hay những sự kiện mà bạn gặp.
Và ước mong đó sẽ giúp bạn nhìn vấn đề từ cả hai phía một cách sâu sắc hơn. Không phải ngẫu nhiên mà bạn có cơ duyên gặp được những con người hay những sự việc như vậy. Những cuộc hội ngộ đó xảy ra khi bạn chú tâm đến mục đích trở thành nhà văn và đương nhiên chúng sẽ không hoặc rất khó xảy ra một khi tâm trí của bạn không chú tâm để tìm kiếm những điểm tương tự.
Khi bạn thực sự tận tâm với công việc này, mọi suy nghĩ, tư tưởng của bạn sẽ hướng về đó. Tâm trí của bạn bắt đầu hoạt động như một thỏi nam châm, nó sẽ hút tất cả những gì xung quanh để thu thập thông tin và tìm cảm hứng có thể giúp bạn biến những hình ảnh đó thành hiện thực. Một nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra là trong bộ não chúng ta có rất nhiều vùng, rất nhiều nơi chưa bao giờ được dùng tới. Một khi bạn đã có mong muốn thực sự, những vùng tư duy cần thiết sẽ được dùng để giúp bạn có được năng lượng tinh thần và sức mạnh để làm điều đó. Không thể chỉ qua một đêm và sáng mai khi ngủ dậy bạn có thể thấy ngay kết quả của điều mình ước mong. Điều quan trọng là bạn phải luôn hướng về điều bạn mong muốn và tư duy tích cực để nắm bắt những cơ hội khi chúng xuất hiện. Tư duy tích cực có nghĩa là luôn tìm ra điểm sáng từ những vùng tối, luôn tìm giải pháp để thực hiện hơn là tìm lý do, và biết suy luận mọi chuyện theo chiều hướng tốt nhất có thể.
W. H. Murray đã từng nói: “Trước khi một người thực sự quyết tâm, họ vẫn còn chần chừ, ngần ngại. Lúc đó, trong đầu họ vẫn còn ý nghĩ rút lui. Nếu không vượt qua được ý nghĩ này, có thể họ sẽ giết chết rất nhiều ý tưởng và khả năng thành công. Chỉ khi thật sự dứt khoát với bản thân – với ý chí quyết tâm đến cùng – họ mới có thể đón nhận những cơ hội to lớn hay những khả năng tiềm tàng mà trước đó, họ có thể chưa từng có được hay đã từng đi qua mà không hề nhận thấy và đón lấy”.
( Source : Thay thái độ - Đổi cuộc đời - Jeff Keller )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét