Mọi tai ương đều hàm chứa những hạt mầm may mắn. - Napoleon Hill
Những khi đối mặt với khó khăn hay thất bại, bạn sẽ phản ứng ra sao? Giống như hầu hết những người khác, tôi tin rằng phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là oán trách: “Tại sao những việc này lại xảy ra với mình? Tại sao lại xảy ra vàolúc này? Tại sao nó lại không xảy ra với người khác? Mình sẽ phải làm gì bây giờ? Ôi thôi, những dự định của mình đã tan thành mây khói! Biết bao giờ mình mới có lại được những điều quý giá đã mất? Sao mình lại bất hạnh và không may mắn thế này?”…
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, phản ứng này của bạn hợp với quy luật tự nhiên và đúng với tâm lý bình thường của con người. Nhưng rồi, cùng với thời gian, khi những ám ảnh về sự thất bại đã nguôi ngoai, bạn trầm lắng hơn để suy ngẫm và chọn lựa.
Hoặc bạn cứ mãi đắm chìm trong đau khổ để gặm nhấm những tuyệt vọng đắng cay, hay sẽ chấp nhận sự thật đắng cay đó để đứng lên vượt qua, nghiệm cho mình bài học từ chính vấp ngã đó để bước tiếp.
Thật sự thì không một ai trong chúng ta khi thất bại, vấp ngã lại muốn nghe từ “tìm ra bài học”. Đã vất vả, đau khổ như vậy rồi thì cần nhất vẫn là sự chia sẻ, an ủi, cảm thông của người khác. Nhưng sẽ không có một bạn bè, người thân hay ai đó mãi ở bên chúng ta để động viên mãi được! Vì điều đó sẽ làm chúng ta càng yếu đuối hơn và tất cả chỉ là sự tự thương hại mình mà thôi. Sau cùng thì tự chúng ta sẽ phải “gạt nước mắt” để tự đứng lên – và nhìn lại “tại sao mình vấp ngã? Tại sao mình cứ mãi nằm ẹp một chỗ sau lần vấp ngã đó?” Người xưa từng có câu: “Trong rủi có may, trong họa có phúc”. Hãy tin rằng luôn có một cánh cửa cơ hội mở ra cho ta sau những khó khăn, trở ngại từ một cánh cửa đã đóng lại.
Có một anh nhân viên trẻ nọ được đồng nghiệp đánh giá là khá thông minh và năng động. Một lần, do sơ suất trong công việc, anh bị giám đốc khiển trách rồi sau đó buộc anh phải thôi việc do hậu quả tai hại mà anh gây ra. Buồn chán, thất vọng, anh đâm ra chán nản một thời gian dài. Trong một lần suy nghĩ xem mình nên làm gì, anh chợt phát hiện ra một điều lý thú: những tấm vụn cao su hàng phế phẩm chất đầy trong nhà máy nơi anh từng làm việc có thể tận dụng để biến thành những tấm chùi chân hay những đôi dép xốp dành để đi trong phòng ở các khách sạn. Anh mò mẫm và thiết kế ra những đôi dép xinh xắn, thanh thoát và thử giao cho các khách sạn trong vùng. Không ngờ, sản phẩm của anh lại được các ông chủ kinh doanh khách sạn đánh giá cao và đặt hàng liên tục vì giá thành rẻ và sự thanh lịch. Anh quyết định mở công ty riêng và kinh doanh rất thành đạt. Nếu được hỏi về bí quyết để có được thành công đó, câu trả lời của anh là “tôi có được ngày hôm nay chính là do nguyên nhân bị đuổi việc ngày trước. Nếu lúc đó ông chủ không đuổi việc tôi, chưa chắc tôi đã có được ngày hôm nay”. Sự va vấp, thất bại của anh trước đây lại chính là cơ duyên để anh đến với thành công.
( Source : Thay thái độ - Đổi cuộc đời - Jeff Keller )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét