Ads 468x60px

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Bạn sẽ thành công bất chấp mọi trở ngại !


Cách đây nhiều năm, một sinh viên Đại học Chicago và bạn bè của cậu đã đến nghe buổi thuyết trình của Arthur Conan Doyle với chủ đề về thuyết duy linh. Họ chỉ tham gia cho vui. Họ định đến để chế giễu buổi thuyết trình này. Nhưng rồi, J. B. Rhine, một trong số các sinh viên đó có ấn tượng mạnh trước sự nghiêm túc của người diễn thuyết. Cậu bắt đầu chú ý lắng nghe. Một số ý tưởng khiến cậu phải lưu tâm. Cậu không thể nào xua đuổi những ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Arthur Conan Doyle đã kể những câu chuyện về một số người nổi tiếng, những người đang tìm hiểu thế giới tâm linh. J. B. 

Rhine quyết định sẽ nghiên cứu về lĩnh vực này. Rhine, giờ đã là Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu các Hiện tượng Siêu nhiên của Đại học Duke, North Carolina, sau này nói rằng: “Có những điều đáng ra tôi cần phải biết khi còn là sinh viên. Sau buổi thuyết trình của Doyle, tôi mới bắt đầu nhận ra một đôi điều trong số đó. 

Nền tảng giáo dục mà tôi được học đã bỏ qua rất nhiều kiến thức quan trọng, chẳng hạn như các biện pháp giúp tìm hiểu những điều chưa biết. Tôi bắt đầu nhận ra một số sai lầm trong hệ thống giáo dục vào thời kỳ đó”.

Ông bắt đầu quan tâm đến quyền tự do tìm hiểu kiến thức của mọi người. Ông tỏ ra phẫn nộ trước một hệ thống giáo dục luôn ngăn cấm con người tìm hiểu sự thật dưới mọi hình thức, trong mọi lĩnh vực. Ông ấp ủ một khát vọng cháy bỏng là được tìm hiểu về sức mạnh tâm linh của con người. Chính khát vọng cháy bỏng đó của ông đã giúp ông thành công.

Rhine có tâm nguyện dành trọn đời mình cho công tác giảng dạy ở trường đại học. Ông được cảnh báo là nếu đeo đuổi khát vọng đó thì ông sẽ đánh mất danh tiếng của mình, vả lại thu nhập của nghề giáo cũng chẳng là bao. Bạn bè và các giảng viên đồng nghiệp thường xuyên chế giễu và tìm mọi cách để can ngăn ông. Một số người còn tránh xa ông. “Tôi phải tìm ra sự thật cho chính mình”, ông nói với người bạn là một nhà khoa học.

Người bạn kia liền đáp: “Khi nào tìm ra sự thật thì cậu cứ giữ lấy cho riêng mình nhé! Sẽ chẳng ai tin cậu đâu!”. Và ông đã giữ lấy những phát hiện kỳ diệu cho riêng mình cho đến khi thu thập đầy đủ cứ liệu khoa học. Hiện nay Tiến sĩ Rhine đã là một nhà khoa học nổi tiếng và được kính trọng trên toàn thế giới.

Suốt 45 năm qua, ông đã phải đấu tranh kịch liệt với những điều cấm kỵ, sự ngu muội, thái độ phản đối và những lời chế nhạo. Một trong những trở ngại lớn nhất mà Tiến sĩ Rhine thường xuyên đối mặt trong suốt nhiều năm liền là việc thiếu vốn để mở rộng công tác nghiên cứu. Chẳng hạn như trước đây, chiếc máy điện não đồ (EEG) duy nhất ông sử dụng để nghiên cứu được lấy từ một đống rác. Một bệnh viện nào đó đã vứt nó đi.

Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ tạo ra một Nỗi ám ảnh tích cực bằng cách đóng góp một phần công sức cho công tác từ thiện và chia sẻ những gì mình có? Nếu có suy nghĩ này thì bạn đã nhận ra được một sự thật. Đó là nỗi ám ảnh mà rất nhiều vị giáo sư đại học đã và đang sở hữu để tìm ra chân lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ những nỗ lực khám phá của họ mà nhân loại mới có thể tiếp tục tiến bộ hơn trong tương lai. Do dành trọn thời gian cho công việc nghiên cứu những chân lý mới nên họ luôn gặp khó khăn trong việc tìm đủ nguồn vốn để sắm sửa trang thiết bị cần thiết. Họ cũng không có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống cá nhân và cuộc sống của những người cùng họ tham gia vào dự án nghiên cứu, v.v.

Vì vậy, các bạn có thể đóng góp một phần công sức của mình cho những mục đích cao cả như thế và xây dựng cho riêng bản thân một Nỗi ám ảnh tích cực.

Như thế, Nỗi ám ảnh tích cực và tiền bạc có liên quan với nhau. Có thể bạn sẽ hỏi rằng: Làm sao chúng ta lại có thể đánh đồng tiền bạc với Nỗi ám ảnh tích cực? Nếu thực sự các bạn hỏi câu đó thì chúng tôi xin hỏi lại bạn câu này: “Tiền bạc không tốt hay sao?”.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét