Phần lớn thời gian trong cuộc sống của mỗi chúng ta đều diễn ra cùng với gia đình. Nhưng thật không may, nơi lẽ ra phải là chốn bình yên, hạnh phúc và yêu thương ấy lại thường trở thành một nơi hoàn toàn trái ngược. Các thành viên trong gia đình cảm thấy không hạnh phúc và hay bất hòa với nhau. Những vấn đề như vậy trong gia đình thường nảy sinh vì nhiều lý do khác nhau.
Trong một lớp học Thái độ tích cực - Khoa học của thành công, một thanh niên năng động, thông minh khoảng 24 tuổi được hỏi rằng: “Anh có gặp vấn đề gì không?”.
“Có!”. Cậu ấy đáp. “Vấn đề với mẹ tôi. Thật ra, tôi quyết định sẽ rời khỏi nhà vào cuối tuần này”.
Khi cậu kể rõ đầu đuôi câu chuyện thì mọi người mới vỡ ra rằng cậu và mẹ cậu không hợp nhau. Giáo viên hướng dẫn khóa học nhận thấy tính hiếu thắng và ngoan cố của người mẹ hoàn toàn giống với cá tính của cậu con trai.
Sau đó, các học viên trong lớp học được dạy rằng cá tính của mỗi người có thể được ví với lực hút/đẩy của một thỏi nam châm. Khi hai thỏi nam châm trái cực được đặt cạnh nhau thì chúng sẽ hút lấy nhau. Còn khi hai thỏi nam châm cùng cực được đặt cạnh nhau thì chúng sẽ đẩy nhau.
Nếu được đặt cạnh nhau và cùng chịu sự tác động của ngoại lực thì cả hai thỏi nam châm là những thực thể riêng biệt. Con người chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp đó thì sức mạnh tổng hợp để thu hút hay đẩy lùi ngoại lực của hai thỏi nam châm sẽ gia tăng, cho dù chúng cùng cực và đẩy nhau.
Người hướng dẫn nói tiếp: “Rõ ràng cách hành xử của anh rất giống với mẹ. Chính vì lẽ đó, anh có thể quyết định cách phản ứng của bà đối với mình thông qua cách phản ứng của anh đối với bà. Anh có thể biết được cảm xúc của bà bằng cách tìm hiểu cảm xúc của riêng mình. Vì vậy, anh có thể giải quyết vấn đề của mình một cách dễ dàng!
Khi hai người có cá tính đối nghịch nhau muốn chung sống hòa thuận, thì ít nhất một trong hai người phải sử dụng sức mạnh của thái độ tích cực.
Sau đây là bài tập cụ thể dành cho anh trong tuần này:
Khi mẹ yêu cầu anh làm gì đó, anh hãy thực hiện một cách vui vẻ. Khi bà bày tỏ quan điểm, anh hãy đồng ý với bà bằng một thái độ hòa nhã, thân thiện. Nếu có cảm giác muốn phê phán bà thì hãy tìm một điều gì đó tốt đẹp để nói. Anh nhất định sẽ có cảm giác tuyệt vời. Mẹ anh nhất định sẽ làm giống anh”.
“Biện pháp này không hiệu quả đâu!”. Người học viên nọ nói. “Khó mà hòa thuận được với bà ấy!”.
“Anh nói rất đúng”, người hướng dẫn đáp. “Biện pháp này sẽ không hiệu quả nếu anh không nỗ lực với một thái độ tích cực”.
Một tuần sau, khi được hỏi về tình hình giữa hai mẹ con, người thanh niên nọ trả lời như sau: “Tôi rất vui khi nói rằng suốt tuần qua, giữa tôi và mẹ không còn một lời lẽ công kích nào cả. Ông có lẽ sẽ rất thú vị khi biết rằng tôi đã quyết định ở lại nhà”.
(
Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét