Ads 468x60px

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Người khuyết tật vẫn có thể mưu cầu hạnh phúc.


Nếu có một người muốn oán trách số phận bất hạnh thì đó hẳn phải là Helen Keller. Bị câm, điếc và mù khi chưa đầy hai tuổi sau một trận sốt và ốm thập tử nhất sinh, số phận đã tước đi khả năng giao tiếp bình thường của cô với những người xung quanh. Cô chỉ còn lại giác quan duy nhất là xúc giác để cảm nhận người khác cũng như để đón nhận cảm giác hạnh phúc của việc yêu và được yêu.

Nhưng vượt qua số phận, cùng với sự hỗ trợ hết mình của người thầy tận tâm và tài giỏi Anne Sullivan, Helen Keller, cô gái nhỏ bị câm, điếc và mù ấy đã trở thành một phụ nữ thông minh, yêu đời và hạnh phúc. Helen viết rằng: 

“Người nào biết làm việc tốt bằng tất cả tấm lòng, biết nói những lời tốt đẹp, biết mỉm cười dịu dàng, biết thông cảm trước hoàn cảnh khó khăn của người khác, thì người đó hiểu rất rõ niềm vui của mình. Chính vì thế, họ quyết tâm phải sống tốt theo triết lý ấy. Hạnh phúc khi vượt qua những gian khó gần như không thể vượt qua để đạt được thành tựu to lớn mới tuyệt vời làm sao!”.

Helen Keller đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những điều tốt đẹp mà cô có được. Sau đó, cô đã chia sẻ chúng với người khác và giúp họ cảm thấy hạnh phúc. Nhờ chia sẻ những điều tốt đẹp nên cô cũng đã thu hút về mình nhiều điều tốt đẹp khác. Càng chia sẻ nhiều bao nhiêu thì các bạn lại càng nhận được nhiều bấy nhiêu. Nếu chia sẻ hạnh phúc với người khác thì niềm hạnh phúc cũng sẽ lớn lên trong bạn.

Ngược lại, nếu mang khổ đau và bất hạnh đến cho người khác thì các bạn cũng sẽ nhận lại khổ đau và bất hạnh cho mình. Tất cả chúng ta đều đã biết những người từng thường xuyên đối mặt với rắc rối. Đó không phải là những vấn đề khó khăn hay cơ hội trá hình dành cho họ. Hoàn cảnh của họ là sự rắc rối đích thực. Dù điều gì xảy ra đi nữa thì kết quả dành cho họ cũng không mấy tốt đẹp. Đó là vì họ đã chuyển khó khăn và rắc rối của mình cho người khác.

Có rất nhiều người cô đơn trên thế giới này đang khát khao tình yêu và tình bạn. Tuy nhiên, họ dường như không bao giờ có được điều đó. Một số người thậm chí còn đẩy lùi những gì họ khao khát vì thái độ tiêu cực. Số khác thì chỉ quanh quẩn trong vỏ ốc bé nhỏ của mình và không bao giờ dám mạo hiểm. Họ ngầm hy vọng rằng những điều tốt đẹp sẽ đến với mình, nhưng lại không chia sẻ bất kỳ điều tốt đẹp nào với người khác. Họ không nhận ra rằng khi khư khư giữ lấy những điều tốt đẹp cho mình thì chúng sẽ nhanh chóng tan biến.

Tuy nhiên, một số khác lại can đảm tìm cách thoát khỏi cuộc sống cô đơn. Họ đã tìm thấy câu trả lời cho mình bằng cách chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi người xung quanh. 

Gia đình cậu bé rất nghèo. Mẹ cậu đã qua đời trước khi cậu tròn một tuổi. Khi lớn lên, những đứa trẻ khác luôn xa lánh vì hình dạng kỳ dị của cậu, và cũng vì cậu không thể tham gia vào các hoạt động vui chơi bình thường của chúng. 

Cậu là một đứa trẻ bất hạnh và cô độc.

Để bù đắp cho hình thể kỳ dị của cậu, Charles đã được trời ban cho một trí tuệ phi thường. Nhờ vận dụng tài sản quý giá nhất đó mà Charles đã quên đi khiếm khuyết hình thể và loại bỏ tư tưởng cho rằng mình chẳng làm nên trò trống gì. Cậu đã nỗ lực hết mình để phát huy sức mạnh trí tuệ vốn có. Ở tuổi lên 5, cậu đã có thể ghép các động từ tiếng  Latin. Lên 7, cậu bắt đầu học tiếng Hy Lạp và chữ Do Thái.  Năm lên 8 tuổi, cậu đã nắm vững môn đại số và hình học. Và khi vào đại học thì Charles đã tỏ ra nổi trội trong tất cả các môn. Cậu tốt nghiệp hạng danh dự. Cậu đã tiết kiệm từng xu mình có để thuê một bộ áo quần bảnh bao cho buổi lễ đặc biệt này. Tuy nhiên, với thái độ tàn nhẫn của những người chịu tác động bởi thái độ tiêu cực, ban giám hiệu đã dán thông báo trên bản tin yêu cầu Charles không đến tham dự buổi lễ.

Nhưng thay vì buộc mọi người phải kính trọng mình bằng cách khiến họ chú ý đến năng lực tinh thần, Charles đã tìm cách vun đắp cho tình bạn của cậu. Cậu không muốn sử dụng khả năng của mình để thu hút sự chú ý của mọi người và để thỏa mãn cái tôi cá nhân. Thay vào đó, cậu muốn đóng góp một phần công sức để kêu gọi lòng tốt của nhân loại. Cậu đã quyết định lên tàu đi thẳng đến Mỹ và bắt đầu một cuộc sống mới.

Khi vừa đến Mỹ, Charles Steinmetz liền đi tìm việc. Sau nhiều lần bị cự tuyệt do hình dáng bên ngoài xấu xí, cuối cùng cậu cũng tìm được một việc làm ở hãng General Electric.

Ở đó, cậu làm công việc của một kỹ thuật viên thiết kế với mức lương 12 đô mỗi tuần. Ngoài trách nhiệm thường ngày của mình, cậu còn dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ thuật điện. Bên cạnh đó, cậu còn vun đắp tình bạn cho mình bằng cách chia sẻ với mọi người xung quanh những gì tốt đẹp nhất mà cậu có.

Sau một thời gian, chủ tịch hội đồng quản trị của General Electric đã nhận ra phẩm chất thiên tài của cậu. Ông đã nói với Charles rằng: “Đây là toàn bộ xưởng máy của chúng tôi. 

Cậu hãy làm bất kỳ điều gì cậu muốn. Chúng tôi sẽ để cậu thoải mái nghiên cứu”.

Charles đã làm việc rất chăm chỉ, miệt mài và đầy nhiệt huyết. Trong suốt cuộc đời mình, cậu đã có hơn 200 phát minh liên quan đến ngành điện. Cậu cũng đã viết rất nhiều sách và tài liệu nghiên cứu về lý thuyết điện học và công trình điện. Cậu hiểu rõ cảm giác hài lòng khi hoàn thành công việc và khi những đóng góp của mình có thể giúp ích cho thế giới này. Cậu đã dần trở nên giàu có và mua cho mình một ngôi nhà xinh đẹp. Cậu quyết định sống cùng một cặp vợ chồng trẻ mà cậu quen biết. Steinmetz đã trải nghiệm được niềm hạnh 
phúc từ một cuộc sống trọn vẹn và có ích.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét