Ông kể lại thương vụ đó như sau:
Đó là thời điểm cuối năm, khi tôi đang bận rộn với việc nghiên cứu, suy nghĩ và lập kế hoạch cho năm hoạt động tiếp theo. Tôi đặt mục tiêu cho năm tới là sở hữu một công ty bảo hiểm được cấp phép để hoạt động trên một tiểu bang nào đó.
Tôi đặt thời hạn cuối để hoàn thành mục tiêu này là ngày cuốicùng của năm sau.
Bây giờ, tôi biết rõ mình muốn gì và đã đặt ra mốc thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Nhưng tôi lại chưa biết phải làm thế nào để đến đích. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều này không quan trọng lắm, bởi lẽ sớm muộn gì tôi cũng sẽ tìm ra giải pháp.
Tôi nghĩ trước tiên phải tìm kiếm một công ty có thể thỏa mãn những yêu cầu: (1) có bản công bố kế hoạch bán bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, và (2) được cấp phép để hoạt động trên hầu hết mọi tiểu bang. Như vậy, tôi không mất thời gian để tổ chức bộ máy hoạt động. Dù sao thì đây chỉ là phương tiện để tôi hành động.
Tôi đã gặp khó khăn về vấn đề tiền bạc, nhưng tôi sẵn sàng đối mặt khi vấn đề rắc rối nảy sinh. Tôi là một người có năng khiếu bán hàng nên tôi cho rằng mình hoàn toàn có khả năng xử lý tốt mọi tình huống. Trong trường hợp cần thiết, tôi sẽ có một vụ làm ăn “ba chiều”: một hợp đồng mua lại công ty; nhượng lại một số hợp đồng bảo hiểm cho một công ty lớn nào đó; và cuối cùng là sở hữu toàn bộ tài sản một cách hiệu quả, ngoại trừ phần bảo hiểm. Những công ty bảo hiểm mà tôi nhắm đến sẽ sẵn sàng chi trả một khoản phí để thành lập công ty.
Tôi không cần phải thành lập công ty. Tôi có thừa kinh nghiệm và năng lực để xây dựng một công ty vững mạnh và phát triển, chỉ cần tôi có phương tiện trong tay. Tôi đã chứng tỏ được điều này bằng cách thiết lập nên một tổ chức kinh doanh bảo hiểm quy mô toàn quốc.
Khi phân tích những khó khăn trước mắt, tôi nhận thấy nên nói cho mọi người biết các khả năng đó. Có như thế, họ mới sẵn lòng giúp đỡ tôi. Còn khi tìm thấy công ty mà mình muốn mua, tôi giữ bí mật về quá trình thương lượng và chỉ tiết lộ mọi việc khi thương vụ đã kết thúc.
Gần như cả thế giới biết rõ tôi muốn gì. Mỗi khi gặp ai làm trong ngành bảo hiểm và có thể cung cấp đôi chút thông tin, tôi đều nói với anh ta về những thứ tôi đang tìm kiếm.
Một trong những người như vậy là Joe Gibson của Công ty Bảo hiểm Excess – người mà tôi quen biết một cách hết sức tình cờ.
Tôi đón năm mới với một tâm trạng đầy phấn khích. Tôi đã có một mục tiêu lớn và đang quyết tâm vươn tới mục tiêu đó.
Một tháng trôi qua. Hai tháng. Rồi sáu tháng. Cuối cùng thì mười tháng đã trôi qua. Cho dù đã tìm hiểu rất nhiều yếu tố nhưng vẫn không một công ty nào có thể thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của tôi.
Vào một ngày thứ Bảy của tháng Mười, khi đang ngồi bên bàn làm việc với chồng hồ sơ đã gập lại, tôi bỗng nảy ra ý định kiểm tra lại danh sách các mục tiêu trong năm của mình. Hầu hết mọi mục tiêu đều đã đạt được, ngoại trừ một mục tiêu lớn, mục tiêu quan trọng nhất.
Tôi tự nhủ: “Chỉ còn hai tháng nữa thôi”. Hẳn phải có cách giải quyết. Dù chưa biết rõ đó là cách gì nhưng tôi tin rằng nhất định sẽ tìm ra cách. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ chấp nhận việc không đạt được mục tiêu hay không thể hoàn thành mục tiêu đã định trước. Tôi lại nói với lòng mình: “Chắc chắn mình sẽ tìm ra cách”.
Hai ngày sau, một điều bất ngờ xảy ra. Lần này, tôi cũng đang ngồi ở bàn làm việc và rất bận rộn với đống giấy tờ.
Chuông điện thoại bỗng reo vang. Tôi nhấc máy và nghe thấy một giọng nói lạ ở phía đầu dây bên kia: “Xin chào Clem. Tôi là Joe Gibson”. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra rất ngắn, nhưng tôi không bao giờ quên được cú điện thoại đó. Joe nói vắn tắt:
“Tôi nghĩ ông sẽ hứng thú khi biết được tin này. Công ty Commercial Credit ở Baltimore sẽ đóng cửa Pennsylvania Casualty, một công ty con của họ, do làm ăn thua lỗ. Cuộc họp của ban giám đốc sẽ diễn ra vào thứ Năm tới ở Baltimore. Tất cả công việc của Pennsylvania Casualty sẽ được bàn giao cho hai công ty bảo hiểm khác cũng thuộc quyền sở hữu của Commercial Credit. Tên của vị phó chủ tịch điều hành công ty Commercial Credit là E. H. Warheim”.
Tôi chân thành cảm ơn Joe Gibson và hỏi thêm vài câu rồi gác máy. Sau mấy phút suy nghĩ, tôi quyết định sẽ trình bày một kế hoạch giúp ban giám đốc Công ty Commercial Credit hoàn thành mục tiêu nhanh hơn và chắc chắn hơn so với kế hoạch mà họ đã đề xuất, như vậy việc thuyết phục ban giám đốc chấp nhận kế hoạch của tôi là điều không khó.
Tôi không quen Warheim nên cứ chần chừ chưa muốn gọi điện cho ông ấy. Tuy nhiên, tôi hiểu rõ thời gian là yếu tố sống còn trong tình huống này. Và câu nói này đã buộc tôi phải hành động:
Bạn không mất gì khi cố gắng nhưng lại đạt được mọi thứ nếu thành công. Vậy thì hãy cố gắng bằng mọi giá. Hãy Làm Ngay!
Không chần chừ thêm một giây nào nữa, tôi liền nhấc điện thoại lên và gọi cho ngài E. H. Warheim ở Baltimore. “Thưa ông Warheim, tôi có một vài tin tức tốt lành cho ông đây!”. Sau đó, tôi tự giới thiệu và nói rằng tôi được biết đôi điều về những kế hoạch sắp được tiến hành với Pennsylvania Casualty. Tôi nghĩ tôi đang ở vị thế thích hợp để giúp họ nhanh chóng đạt được những mục tiêu. Cuối cùng, tôi hẹn gặp Warheim và cộng sự của ông ấy vào lúc 2 giờ chiều hôm sau ở Baltimore.
Đúng 2 giờ chiều hôm sau, tôi và luật sư của tôi, W. Russell Arrington, đến gặp Warheim và các cộng sự của ông. Pennsylvania Casualty hoàn toàn thỏa mãn những đòi hỏi của tôi. Công ty này được cấp giấy phép hoạt động trên 35 tiểu bang. Việc kinh doanh bảo hiểm tuy đã được bàn giao cho những công ty bảo hiểm khác nhưng vẫn làm ăn không hiệu quả. Nếu bán công ty thì Commercial Credit sẽ đạt được mục tiêu của mình nhanh chóng hơn và cũng chắc chắn hơn. Ngoài ra, họ còn nhận được 25.000 đô-la mà tôi trả để mua lại giấy phép hoạt động của công ty.
Hiện tại, công ty này đang có số tài sản thanh khoản trị giá 1,6 triệu đô-la bao gồm cổ phiếu có thể chuyển đổi và tiền mặt.
Nhưng làm sao tôi kiếm được 1,6 triệu đô-la cho vụ này? Tôi sử dụng OPM và mọi việc đã diễn ra như sau: “Thế còn 1,6 triệu đô la phần tài sản thanh khoản thì sao?” - Ông Warheim hỏi. Tôi đã chuẩn bị trước cho câu hỏi này và trả lời ngay: “Commercial Credit sẽ là đối tác cho vay tiền. Tôi chỉ mượn 1,6 triệu đô-la từ ông mà thôi”. Mọi người cười ồ. Tôi nói tiếp: “Ông sẽ có mọi thứ chứ không mất gì cả. Tất cả mọi thứ tôi đang sở hữu đều dựa vào khoản tiền vay, bao gồm công ty trị giá 1,6 triệu đô-la mà tôi đang sắp mua đây. Ngoài ra, ông cũng đang làm việc trong lĩnh vực cho vay tiền.
Ông biết rõ rồi đấy, liệu còn có tài sản thế chấp nào an toàn hơn là chính công ty mà ông đang muốn bán cho tôi? Thêm vào đó, ông còn nhận được phần tiền lãi từ khoản cho vay. Điều quan trọng nhất là nếu làm theo cách này, ông sẽ giải quyết được vấn đề của mình một cách chắc chắn và nhanh chóng”. Chờ cho tôi nói xong, Warheim đã hỏi tôi một câu rất quan trọng: “Ông sẽ trả khoản vay đó cho tôi như thế nào?”. Và tất nhiên là tôi cũng đã chuẩn bị trước cho câu hỏi này. Câu trả lời của tôi là: “Tôi sẽ trả toàn bộ khoản vay đó trong vòng 60 ngày!
Ông thấy đấy, tôi chỉ cần không quá nửa triệu đô-la để điều hành một công ty bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế ở 35 tiểu bang mà Pennsylvania Casualty được cấp phép. Vì công ty chỉ do một mình tôi sở hữu nên tất cả những gì cần làm là giảm số vốn lẫn số tiền thặng dư tài sản của Pennsylvania Casualty từ 1,6 triệu đô-la xuống còn 500.000 đô-la. Khi đó, tôi có thể sử dụng khoản tiền cắt giảm này để trả nợ cho ông.
Cả ông và tôi đều biết rằng một doanh nhân phải chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập đối với mọi giao dịch liên quan đến thu nhập hay tiêu dùng. Tuy nhiên, trong giao dịch lần này, chúng ta sẽ không phải đóng thuế thu nhập. Lý do đơn giản là Pennsylvania Casualty không có lợi nhuận, và do đó, những khoản tiền mà tôi nhận được khi cắt giảm vốn đầu tư tất nhiên không phải trích ra từ lợi nhuận”.
Ông ấy hỏi thêm một câu nữa: “Thế những kế hoạch của ông để trả nốt cho tôi nửa triệu đô-la còn lại sẽ như thế nào?”. Tôi cũng đã chuẩn bị trước cho câu hỏi này: “Điều đó dễ thôi. Công ty Pennsylvania Casualty sở hữu khối tài sản bao gồm tiền mặt, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu trị giá cao. Tôi có thể vay nửa triệu đô-la từ những ngân hàng mà tôi đang hợp tác bằng cách thế chấp số cổ phần của mình ở Pennsylvania Casualty, cũng như một số tài sản riêng khác để bảo đảm cho khoản vay”.
Khi tôi và luật sư Arrington rời khỏi văn phòng Commercial Credit vào lúc 5 giờ chiều, thỏa thuận giữa hai bên đã chính thức được thông qua.
Câu chuyện này minh họa những bước cần thực hiện để đạt đến mục tiêu thông qua việc sử dụng OPM. Nếu xem lại Chương 11 “Liệu có con đường tắt nào dẫn đến sự giàu có?”, bạn sẽ thấy những nguyên tắc đã đề cập ở đó đã được ứng dụng tại đây.
(
Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét