Ads 468x60px

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Sinh lực của bạn hôm nay như thế nào?


Bạn có thức dậy và háo hức với ngày mới cùng những công việc thú vị hay không? Bạn có đẩy ghế đứng dậy sau buổi ăn sáng với cảm giác nôn nóng được làm việc hay không? Và bạn có bắt tay vào việc với một thái độ nhiệt tình hay không?

Không ư? Nếu vậy thì có lẽ bạn đang thiếu sức sống đấy. Có lẽ bạn đã cảm thấy mệt mỏi trước khi ngày mới bắt đầu, và có thể bạn đang làm việc mà không cảm nhận được niềm vui trong đó.

Hãy làm điều gì đó để thay đổi trạng thái này! 

Vernon Wolfe, một trong những huấn luyện viên nổi tiếng nhất nước Mỹ. Dưới sự huấn luyện của ông, một số học sinh trung học đã phá kỷ lục điền kinh quốc gia ở cấp trung học.

Ông đã huấn luyện những ngôi sao điền kinh này như thế nào? Wolfe đã sử dụng một công thức kép. Ông dạy họ cách kiểm soát cả tinh thần lẫn thể xác của mình.

Vernon Wolfe nói: “Nếu có niềm tin thì các bạn đều có thể thành công. Chính suy nghĩ sẽ kiểm soát vấn đề”.

Bạn sở hữu hai dạng năng lượng. Một là năng lượng cơ thể, hai là năng lượng tinh thần hay tâm linh. Rõ ràng năng lượng tinh thần quan trọng hơn hẳn so với năng lượng cơ thể. Bởi lẽ tiềm thức con người có thể thu hút một nguồn năng lượng và sức mạnh to lớn trong những thời điểm cần thiết.

Bạn hãy nhớ lại những nhân vật trong các câu chuyện đã đọc. Họ đã thực hiện những điều phi thường, thể hiện sức mạnh và khả năng chịu đựng của con người trong những tình huống hết sức cam go. Một tai nạn ô tô xảy ra và người chồng bị đè chặt dưới chiếc xe đã bị lật úp. Trong khoảnh khắc sợ hãi mang tính quyết định ấy, người vợ nhỏ bé và yếu đuối của anh ấy đã nâng cả chiếc xe lên để cứu anh! Hoặc có lẽ bạn cũng từng một lần nhìn thấy một người bệnh tâm thần nâng, uốn cong và phá vỡ đồ đạc bằng một sức mạnh mà bình thường họ không bao giờ có thể làm được.

Trong loạt bài viết cho tạp chí Sports Illustrated, Tiến sĩ Roger Bannister đã kể lại cách ông phá vỡ kỷ lục chạy bốn phút/dặm vào ngày 6 tháng 5 năm 1954. Ông đã tập luyện cho cả tinh thần lẫn cơ bắp của mình để hoàn thành giấc mơ mà ông đã ấp ủ từ lâu. Trong suốt nhiều tháng liền, ông đã buộc tiềm thức phải tin rằng việc phá vỡ kỷ lục, điều được nhiều người cho là bất khả thi, là một mục tiêu có thể đạt được. Một số người còn nghĩ rằng cột mốc bốn phút/dặm là rào cản không thể vượt qua. Nhưng Bannister lại cho rằng mục tiêu đó là một cánh cổng đặc biệt, nếu mở được cánh cổng ấy thì ông sẽ mở ra con đường dẫn đến nhiều kỷ lục mới cho chính mình và cho nhiều vận động viên điền kinh khác.

Và tất nhiên là ông đã đúng. Roger Bannister chính là người tiên phong trong việc phá kỷ lục chạy một dặm. Trong thời gian chưa đầy bốn năm sau khi ông lập kỷ lục chạy bốn phút/dặm, kỳ tích này đã được ông và một số vận động viên khác lặp lại đến 46 lần! Trong cuộc đua diễn ra ở Dublin, Ai-len vào ngày 6 tháng 8 năm 1958, có năm vận động viên đã chạy một dặm với thời gian chưa đầy bốn phút!

Người đã dạy cho Roger Bannister bí quyết thành công đó là Tiến sĩ Thomas Kirk Cureton, giám đốc phòng thí nghiệm giáo dục thể chất thuộc Đại học Illinois. Tiến sĩ Cureton đã phát triển những ý tưởng mang tính cách mạng  liên quan đến mức năng lượng đối với cơ thể của con người. Ông nói rằng những ý tưởng đó có thể áp dụng cho cả vận động viên lẫn người bình thường. Chúng có thể giúp cho một vận động viên chạy nhanh hơn và gia tăng tuổi thọ trung bình của con người.

Tiến sĩ Cureton nói: “Chẳng có lý do gì mà con người không thể khỏe mạnh như năm họ 20 tuổi lúc đã 50 tuổi – với điều kiện anh ta biết cách rèn luyện cơ thể”. Hệ thống huấn luyện của Tiến sĩ Cureton dựa trên hai nguyên tắc chính: (1) huấn luyện toàn bộ cơ thể (2) thử thách bản thân với ngưỡng chịu đựng để mở rộng giới hạn của con người thông qua từng bài luyện tập.

Ông nói: “Nghệ thuật phá kỷ lục là khả năng tận dụng nhiều hơn những gì mình có. Bạn buộc bản thân mình phải rèn luyện mỗi ngày một nhiều và chỉ nghỉ ngơi trong những quãng thời gian ngắn mà thôi”.

Tiến sĩ Cureton bắt đầu quen với Roger Bannister khi đang tiến hành một số bài thí nghiệm thể chất đối với các ngôi sao điền kinh châu Âu. Ông nhận thấy các chỉ số hình thể của Bannister rất tuyệt vời xét trên một số phương diện. Ví dụ, tim của Bannister lớn hơn 25% so với người bình thường, nếu xét đến sự tương quan với kích thước cơ thể.

Tuy nhiên, hình thể của Bannister lại không phát triển hoàn thiện được như một người trung bình. Bannister đã lắng nghe lời khuyên của Cureton để phát triển toàn bộ cơ thể của mình. Ông đã học cách kiểm soát đầu óc bằng cách tập leo núi. Chính quá trình rèn luyện này đã dạy ông cách khắc phục khó khăn.

Một điều quan trọng không kém là Bannister đã biết chia nhỏ những mục tiêu lớn của mình. Roger Bannister lập luận rằng con người có thể chạy từng ¼ dặm nhanh hơn so với 4 lần chạy ¼ dặm. Chính vì lẽ đó, ông đã tập trung suy nghĩ vào 4 lần ¼ dặm một cách riêng biệt. Trong quá trình tập luyện, ông đã chạy từng quãng đường ¼ dặm và cứ thế lặp lại cho đến khi hết đường chạy. Sau đó, ông sẽ lại tiếp tục chạy một vòng khác. Trong mỗi lần chạy như vậy, ông thường đặt mục tiêu cho mình là 58 giây hoặc dưới 58 giây. 58 nhân 4 bằng 232 giây, tương đương 3 phút 52 giây. Ông miệt mài tập cho đến khi nào kiệt sức mới thôi. Chỉ khi đó thì ông mới chịu nghỉ ngơi. Cứ mỗi lần như vậy, thời điểm kiệt sức lại được kéo xa hơn. Cuối cùng, khi tham gia cuộc đua lớn, ông đã chạy một dặm với thời gian chỉ 3 phút 59,6 giây!

Tiến sĩ Cureton dạy Roger Bannister rằng “cơ thể càng chịu đựng lâu bao nhiêu thì nó lại càng quen với hoàn cảnh đó bấy nhiêu”. Ông nói rằng những nhận xét như “tập luyện quá sức” hay “kiệt lực” chỉ là chuyện hoang đường.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nghỉ ngơi là một yếu tố hết sức cần thiết trong tập luyện và vận động. Cơ thể cần tái tạo lại những thành phần đã mất đi trong quá trình tập luyện, với số lượng có thể còn nhiều hơn trước. Đó chính là quá trình phát triển của sức mạnh, sinh khí và năng lượng của con người. Cơ thể và tinh thần đều tự nạp lại năng lượng trong thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Nếu không tạo cơ hội để nghỉ ngơi và thư giãn, cơ thể sẽ phải đối mặt với những tổn hại nghiêm trọng – và thậm chí là cả cái chết.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét