Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phần 12 - Tâm lý tiêu cực là dòng Lưu Sa đáng sợ

Sa Tăng
Vượt qua Lưu Sa hà là một quá trình không thể tránh khỏi trên con đường đi tới thành công. Để đến đích, trước tiên cần phải khắc phục tâm lý tiêu cực. 

Dòng Lưu Sa rộng 800 dặm 

Thầy trò Đường Tăng sau khi vượt qua được ngọn Hoàng Phong thì bắt đầu đi tới đường bằng phẳng. Đang trên đường đi, bỗng thấy phía trước là cả một vùng mênh mông sóng vỗ. Đường Tăng ngồi trên lưng ngựa giật mình nói: 

- Các đồ đệ, các con thấy phía trước thế nước mênh mông như vậy, sao lại không thấy thuyền bè nào qua lại nhỉ? Chúng ta đi qua nơi nào đây ? 

Trư Bát Giới thấy vậy cũng lanh chanh nói: 

- Đúng là sông to sóng dữ, không có thuyền bè nào qua lại. 

Tôn Ngộ Không bèn bay lên không trung nhìn ra xa tít, nhưng y cũng bị thế nước mênh mông cuồn cuộn làm cho ngợp mắt, y bèn nói: 

- Sư phụ, thế nước như thế này, có muốn qua sông cũng khó lắm! 

Cả ba thầy trò đứng bên bờ sông nhìn xuống mà lòng buồn mênh mang. 

Bỗng nhiên Trư Bát Giới nói: 

- Đại sư huynh, nhanh đến đây mà xem! 

Hóa ra bên bờ sông có một tấm bia, đi gần lại xem thấy trên tấm bia có khắc ba chữ “Lưu Sa hà” mặt sau tấm bia có bốn hàng chữ nhỏ: “Sông rộng 800 dặm, độ sâu 300 thước. Lông ngỗng bay không nổi, hoa lau chìm dưới đáy.” Đường Tăng xem xong giật mình sợ hãi. Nào có ngờ vừa mới vượt qua được ngọn Hoàng Phong cao 800 dặm giờ lại gặp Lưu Sa hà rộng 800 dặm! 

Ba thầy trò đang xem tấm bia, nghe tiếng sóng vỗ rì rào thì bất chợt từ dưới lòng sông vọt lên một tên yêu quái tóc đỏ mặt xanh, hắn hầm hầm bổ nhào xuống. Tôn Ngộ Không nhanh mắt, nhanh tay liền vội vàng bảo vệ sư phụ khỏi nanh vuốt của yêu quái. Còn Trư Bát Giới thì giơ vũ khí lên chiến đấu với yêu quái, tên yêu quái múa may bảo trượng trong tay, một trận quyết chiến xảy ra, hai bên đã chiến đấu quyết liệt trong 20 hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. 

Tôn Ngộ Không đứng ngoài quan sát sốt ruột muốn vào đánh, cuối cùng y không nhịn được nữa bèn lấy gậy Như Ý ra, y tung người nhảy lên nhằm đầu tên yêu quái mà bổ xuống. Tên yêu quái vội vàng tránh đòn, hắn xoay người rồi bay xuống Lưu Sa hà. Trư Bát Giới đánh đang hăng, bỗng nhiên không thấy kẻ địch thì ầm ầm quát lớn. 

Tên yêu quái đó là ai vậy? Hai huynh đệ và cả sư phụ của họ đều đã quen cả rồi, khi Thiền sư Ô Sào truyền thụ Tâm kinh ngài đã từng đưa ra lời đoán “thuỷ quái gặp phía trước”, mà tên yêu quái này về sau cũng trở thành mọi thành viên trong đoàn đi lấy Kinh. Đường Tăng đã đặt cho hắn cái tên là Sa Tăng. 

Thân phận đích thực của Sa Tăng 

Con đường mà Đường Tăng đi lấy Kinh rốt cuộc có Lưu Sa Hà rộng 800 dặm hay không? Đương nhiên là không có. Mặt sông rộng 800 dặm, đó có lẽ là tên gọi khác của hồ Lưu Sa hay biển Lưu Sa. Thế nhưng, trên con đường tơ lụa thời xưa hẳn là có thể nhìn thấy biển Lưu Sa mênh mông sóng vỗ, chỉ có điều bây giờ ở đó không có lấy một giọt nước. Hay là Lưu Sa hà trong truyền thuyết chính là sa mạc của sông Lưu Sa! 

Rồi còn vấn đề Sa Tăng sống ở Lưu Sa Hà nữa, thân phận của ông cũng rất đáng nghi ngờ. Theo như trong sách thì Sa Tăng vốn là Quyền Liêm tướng quân (tướng cuốn rèm) trước điện Ngọc Hoàng, vì sẩy tay đánh vỡ chiếc ly bằng pha lê nên bị Ngọc Hoàng giáng tội, bị đầy xuống Lưu Sa hà. 

Nói đến rèm cửa, rèm cửa sổ, tự nhiên độc giả không lạ, nhưng trong ấn tượng của mọi người, vật che này phần lớn có liên quan tới phụ nữ. Đại thi nhân Lý Bạch có bài thơ Oán tình lấy ngôn ngữ trong sáng ngắn gọn để diễn tả tâm trạng của người con gái lấy chồng nước Sở trong bức họa truyền thần. Trong hồi thứ hai của bộ tiểu thuyết Kim Bình Mai, Tây Môn Khánh liếc mắt đưa tình với Phan Kim Liên, bức rèm trúc lại trở thành bối cảnh, trở thành đạo cụ cho tình yêu. Buông rèm chấp chính tuy không hợp với tình cảm của nữ nhi, nhưng việc buông rèm chấp chính mãi mãi là của Hoàng Thái hậu hay là của nữ nhi, có điều, đường đường là Ngọc Hoàng đại đế cần có một vị tướng cuốn rèm để làm gì? 

Hóa ra, cứ đời Tống trở về sau, khảo quan chủ trì việc khoa cử thì cần phải tuân thủ theo chế độ thả rèm cấm, vì thế mà truyền thống thường gọi khảo quan là Liêm quan. Trước kỳ thi ba ngày, các quan Chủ khảo, phòng quan, Nội để điệu, Nội giám thị, Nội thu quyền đều do tiểu môn đưa vào công đường, cửa phòng các quan ở đều được đóng kín và được giám sát chặt chẽ, buông rèm ngăn cách. Bức rèm đó đã trở thành một loại giới tuyến, khảo quan trọng rèm thì gọi là Quan nội liêm, khảo quan bên ngoài rèm thì gọi là Quan ngoại liêm. Mà trong đó, Quan nội liêm phụ trách phê duyệt và quản lý quyền thi, Quan ngoại liêm phụ trách giám sát các chức vụ công tác như Ngoại để điệu, Ngoại giám thị, Ngoại thu quyền, Di phong, Thu quyền. Đẳng quyền, Đối độc. Chế độ nội ngoại liêm nhằm ngăn chặn những tiêu cực trong khoa cử. Sa Tăng là tướng cuốn rèm, có lẽ ông chính là võ quan phụ trách giám sát. 

Còn như việc Sa Tăng lỡ tay làm vỡ cốc pha lê, đó không giống pha lê hiện nay, mà chỉ là thủy tinh màu trắng. Trong văn hóa chính trị của Trung Quốc cổ xưa, thủy tinh thường tượng trưng cho sự thuần tĩnh, thanh khiết và cao quý. Sa Tăng lỡ tay đánh vỡ cốc pha lê, tức là nói Sa Tăng không cẩn thận phạm vào lỗi làm trái đạo đức pháp luật. Chính vì vậy. Sa Tăng có lẽ chính là phạm quan bị đầy đến vùng sa mạc tây bắc chăng? 

Tính tình của Sa Tăng 

Được xem là nhân vật đại biểu cho tính cách ôn hòa, Sa Tăng là một người khá truyền thống. Ông giống với những người thuộc loại hình tính cách ôn hòa, coi trọng pháp luật, quy tắc, trật tự. Trong mỗi một tổ chức xã hội, nhóm người này không xuất sắc, nhưng họ lại thường chiếm giữ các chức vụ quản lý hành chính. Họ là những người lặng lẽ phụng sự, họ phục vụ cho người khác nhưng họ không thể hiện những điều họ không muốn. Họ luôn nỗ lực đi tìm sự công bằng, chính xác nên họ đáng tin cậy, đáng nương tựa. Họ là nền tảng của xã hội ổn định. 

Người có tính cách ôn hòa thường có tình cảm lệ thuộc, họ hy vọng có thể được làm việc trong một tổ chức có trình độ quy phạm hóa rất cao. Họ chú trọng sự ổn định và an toàn, hơn nữa họ tôn trọng quyền uy. Có lẽ vì tính cách này mà Sa Tăng mới được bổ nhiệm làm tướng cuốn rèm phụ trách cuốn rèm trong chế độ khoa cử. 

Đương nhiên, họ cũng có khuyết điểm. Họ thường là những người không biết quyền biến, họ là những người của chủ nghĩa giáo điều và thiếu sức tưởng tượng. Họ thiếu đi tính chủ động và nhiệt tình, hơn nữa họ thường nhìn nhận vấn đề với cách nhìn của chủ nghĩa bất bại. Họ cự tuyệt việc trải nghiệm những cái mới, những điều bất đồng hay những sự vật chưa qua thể nghiệm. Họ thường né tránh sự xung đột, điều này thường khiến cho họ lựa chọn cách giải quyết mang tính chiết trung. Sở dĩ Sa Tăng không cẩn thận mắc lỗi làm trái đạo đức pháp luật, có lẽ đó chính là vì do ông né tránh xung đột, giống như việc dối trá trong thi cử họ cũng có thể nhắm mắt cho qua. Họ sẽ đem những thách thức trong tính cách ôn hòa là tiêu cực như vậy, trong mắt họ thành thị cũng giống như một cánh đồng hoang, một tổ chức cũng giống như một vùng sa mạc. Họ không có được hùng tâm tráng trí, họ không dễ bị kích động, họ lười biếng qua loa, họ chán ghét chỉ trích người khác. Họ quen với việc phê bình và trào phúng, quen với việc làm cho người khác nhụt chí. 

Người thuộc tính cách ôn hòa làm việc rất có quy tắc, sự hiền lành và nhẫn nại của họ khiến cho họ luôn có nhiều bạn bè. Thế nhưng, bạn cũng sẽ phát hiện ra là họ sẽ làm hao mòn đi tính tích cực của bạn, khiến cho bạn cũng cảm thấy, thế giới này giống như một bãi sa mạc mênh mông. 

Thái độ tích cực và thái độ tiêu cực 

Ai trong chúng ta cũng đều có bốn loại cảm xúc hỷ (mừng), nộ (giận dữ), ai (buồn thương), lạc (vui), mọi người thường sẽ tự điều chỉnh thái độ sống của mình nếu có thay đổi tình cảm. Dù vậy, mẫu người thuộc tính cách ôn hòa thì lại là ngoại lệ, như họ không có gì là đại hỷ đại bi, họ cũng không dễ kích động, họ vĩnh viễn là những người tiêu cực và cố chấp. 

Mẫu người của tính cách ôn hòa thông thường đều không phải là nhà triết học, bởi họ rất ít khi suy xét về ý nghĩa của cuộc sống, họ rất khó lý giải tại sao một cá nhân có thể thay đổi được từ việc thay đổi thái độ sống của mình, cuộc sống của mình. 

Vậy thế nào là thái độ? Từ góc độ biểu hiện mà xét thì thái độ là một loại phương thức biểu đạt tâm linh của bạn, nó là thứ có thể ngụy trang. Mà trên thực tế, thái độ là sự bày tỏ tâm hồn của bạn. Mà sự bày tỏ tâm hồn đó chịu ảnh hưởng bởi tình cảm, tư tưởng và khuynh hướng hành vi của bạn. Khi bạn cảm thấy tất cả đều thuận tâm Như Ý, bạn cảm thấy lạc quan đối với tương lai thì bạn sẽ truyền ra một thái độ tích cực. Nếu bạn cảm thấy tất cả đều rất thất vọng, cảm thấy bi quan đối với tương lai thì thái độ của bạn cũng rất tiêu cực, sự thay đổi của sự việc còn xấu hơn so với tưởng tượng của bạn. Xét từ ý nghĩa của triết lý nhân sinh, bạn tỏ thái độ như thế nào đối với cuộc sống thì cuộc sống cũng sẽ có thái độ như vậy với bạn. 

Vượt qua Lưu Sa hà của nhân sinh 

Hiện tại, vấn đề trước mắt của thầy trò Đường Tăng là làm sao để hàng phục được tên yêu quái mà sau này gọi là Sa Tăng đó. Tại sao phải hàng phục tên yêu quái này? Đạo lý rất đơn giản, bởi vì vượt qua Lưu Sa hà là một quá trình không thể tránh khỏi trên con đường đi tới thành công, hoàn cảnh trước mắt rất gian truân, vậy thì trước tiên cần phải khắc phục tâm lý tiêu cực. 

Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới ba lần giao chiến với tên yêu quái này thì cả ba lần đều để nó chạy thoát. Cuối cùng, tên yêu quái quyết tâm ẩn náu dưới sông sâu, nó không để cho bạn có cơ hội giao đấu. Điều đó hầu như là đặc điểm của mẫu người có tính cách ôn hòa, họ né tránh sự xung đột, không chú ý đến sự việc. Nếu bạn có người nhà hay đồng sự thuộc nhóm người tính cách ôn hòa, họ sẽ lựa chọn việc né tránh hoặc là im lặng trước xung đột, họ không muốn cãi tay đôi, do đó cơ hội tranh luận sẽ không có cho bạn. 

Tôn Ngộ Không đành phải đi tìm Quan Thế Âm Bồ Tát. Phương pháp xử lý của Quan Thế Âm Bồ Tát rất đơn giản, ngài phái một vị sử giả đến Lưu Sa hà và hô to:

- Ngộ Tĩnh! Ngộ Tĩnh! Người đi lấy Kinh ở đây đã lâu rồi, sao người còn chưa quy thuận? 

Tên yêu quái nghe vậy liền bay ra khỏi chỗ ẩn náu và tới bái kiến sư phụ. Sa Tăng đã ở trong Lưu Sa hà nên lấy Sa làm họ, bởi vậy mà Quan Thế Âm Bồ Tát đã đặt cho ông cái tên là Ngộ Tĩnh, và đó chính là Sa Ngộ Tĩnh - đồ đệ thứ ba được thu nhận sau Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Đường Tăng thấy ông đối nhân xử thế thật giống với phong cách của hòa thượng nên Đường Tăng lại gọi ông là Sa Hòa thượng. 

Khi nhân tố tiêu cực bị trừ bỏ thì sự vật sẽ chuyển hướng sang một mặt khác khiến con người lạc quan hơn. Do vậy chúng ta có thể lấy lại thái độ tích cực, và hướng chú ý của mình vào thành công, vốn liếng và sức mạnh có được đều giúp chúng ta thực hiện thành công đó. Thái độ của chúng ta càng tích cực, quyết tâm của chúng ta càng lớn, khả năng huy động nguồn vốn và sức mạnh của chúng ta càng nhiều thì xác suất thành công cũng sẽ theo đó mà tăng lên. Thái độ quyết định xác suất lớn nhất của sự thành công, quyết định toàn bộ tri thức của sự thành công. 

Con đường thành công của Mộc Xoa hành giả. 

Trong tiếng Phạn, Mộc Xoa hành giả còn gọi là Mộc Dê, nghĩa là đạt được giải thoát từ trong sự trói buộc của phiền não. Từ trong câu chuyện về Lưu Sa hà, chúng ta có thể rút ra kết luận như sau: 

Thứ nhất, trong quá trình phấn đấu của chúng ta., việc xuất hiện một vùng sa mạc tựa như Lưu Sa hà cũng là một loại trạng thái nhân sinh bình thường. Không nên vội vã hấp tấp phản ứng quá độ, nếu không chỉ khiến hoàn cảnh thêm xấu đi. Ngược lại. chúng ta nên lựa chọn thái độ tích cực, tập trung tin tưởng vào thành công, để lạc quan. 

Thứ hai, biện pháp duy nhất để vượt qua khó khăn là lựa chọn thái độ tích cực. Không ai có thể tích cực mãi mãi, bởi vì chúng ta luôn luôn gặp phải những thử thách và khó khăn, giống như 81 kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua. Thế nhưng, nếu chúng ta muốn trở thành một người thành công đích thực thì chúng ta cần phải nhanh chóng lấy lại thái độ tích cực của bản thân. 

Thứ ba, vĩnh viễn không thể quên mục tiêu và tuyên ngôn sứ mệnh của mình. Từ đó bạn sẽ hình thành một khái niệm tự ngã: “Ta làm gì”, để từ đó kêu gọi sự ủng hộ của mọi người trong xã hội. 

Bạn cần phải thực hiện những phương pháp bằng thái độ tích cực. Đương nhiên, chỉ dựa vào thái độ tích cực thì không hoàn toàn giải quyết được vấn đề, nhưng thái độ tích cực có thể khiến bạn nhẹ nhàng thoải mái nhìn nhận vấn đề, khiến bạn luôn hướng tới hy vọng, hướng đến sự hứng thú của tính sáng tạo chứ không phải là sự nhạt nhẽo khô khan, hướng đến sự nỗ lực chứ không phải là sự được chăng hay chớ, hướng đến sự lạc quan chứ không phải là sự bi thương. Như vậy thì bạn không bao giờ bị đánh gục bởi khó khăn. 

Thái độ tích cực còn khiến cho tri thức và tài năng của bạn bùng cháy, như vậy bạn có thể dốc sức phát huy sáng tạo, giúp bạn san bằng tất cả khó khăn phía trước. Và thậm chí, vận khí tốt cũng theo đó mà đến với bạn.

( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương ) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét