Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phần 17 - Y thức về cái tôi là một chiếc hồ lô kỳ quái

Hồ lô nhốt thầy trò Đường Tăng
Điều chúng ta cần phải quan tâm là, làm thế nào để quản lý ý thức tự ngã. Một mặt, vạch ra phương hướng cho sự trưởng thành và phát triển, tự khích lệ bản thân, đánh thức sự nhiệt tình ; mặt khác, cũng đưa ra những ràng buộc nghiêm khắc đối với bản thân. Chúng ta gọi cách thức quản lý bản thân này là “nguyên tắc làm người và đối nhân xử thế”

Chân tướng của Kim Giác Đại Vương 

Tôn Ngộ Không đã quay lại trong đoàn đi lấy Kinh, bốn thầy trò cùng đồng tâm hiệp lực nhắm thẳng Tây phương mà đi. Họ cứ đi và đi, rồi lại gặp một tòa núi lớn chắn ngang đường đi. Đường Tăng quay lại dặn các học trò: 

- Các con phải hết sức cẩn thận đấy nhé! 

Tôn Ngộ Không cười nói: 

Sư phụ, sao sư phụ lại có phản ứng choáng váng như vậy? Chẳng phải trong Tâm kinh có viết “Tâm không vướng ngại thì chẳng sợ hãi” đó sao ? Sư phụ chớ lo lắng làm gì, tất cả đã có Lão Tôn con đây lo liệu. 

Đường Tăng cảm khái nói:

Phải rồi, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể tiêu trừ được loại phản ứng choáng váng này và sống thoải mái nhẹ nhàng hơn. 

Nhưng ông đâu biết rằng, một số nhược điểm của tính cách rất khó thay đổi. Tôn Ngộ Không mạnh mẽ, Trư Bát Giới hoạt bát đi đâu cũng vui vẻ, Sa Tăng lại rất dễ lo lắng và bi quan. 

Tại sao lại như vậy? Bởi vì nó nằm trong ý thức tự ngã của chúng ta. Do cái ý thức tự ngã đó mà Đường Tăng thích tự minh phản tính ; Tôn Ngộ Không thì thích cho mình là đúng; Trư Bát Giới lại thích tự mình khoác lác; còn Sa Tăng thì lại giống như một con thỏ luôn luôn cảnh giác. 

Đường Tăng biết rằng, Tôn Ngộ Không chưa hẳn đã thật sự hiểu Tâm kinh, nhưng cách giải thích của y rất đúng. 

Bản ngã, tự ngã và siêu ngã 

“Ngã” (cái tôi) là một danh từ triết học rất thú vị. Khi người phụ nữ mang thai thì sinh mệnh của đứa trẻ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nó đã có thay đổi nhanh chóng về sinh lý nên sự chú ý tìm tòi của chúng bắt đầu từ khám phá thế giới khách quan sang khám phá thế giới chủ quan, và bắt đầu xuất hiện ý thức “tự ngã” của họ. “Bản ngã” là vô thức, nhưng “tự ngã” lại có ý thức, do vậy mới có người tự hỏi “ta là ai”. 

Người tự hỏi “ta là ai” là người đã đem mình tách khỏi lịch sử xã hội, và như thế sẽ dần dần hình thành nên ý thức tự ngã rất mạnh. Ý thức tự ngã là một quá trình hình thành tất nhiên và cần có, họ bắt đầu tin mình là một chính thể độc lập, và họ sẽ theo đuổi sự độc lập. Thế nhưng, sự độc lập của cá thể cũng khiến cho họ dễ hiểu nhầm đối với một điều gì đó của bản thân họ tạo ra, họ cho rằng mình là một hòn đảo. Vì thế mà họ đã xem nhân sinh như là một sự dừng lại ngắn ngủi giữa sự sống và cái chết, họ xem mình là một sản vật của xã hội trong thời kỳ riêng biệt nào đó, cuộc sống của bản thân họ hoàn toàn là do môi trường quyết định. Họ tin vào tính hợp lý của sự ích kỷ, vì thế mà xảy ra hàng loạt xung đột giữa họ với người khác, với xã hội và với tự nhiên. Họ có cảm giác thực sự cô độc dẫn tới sự xuất hiện tinh thần đau khổ. 

Sau khi đã trở thành một người đã thực sự giác ngộ, họ sẽ tự giải thoát mình khỏi những đau khổ do hiểu nhầm gây nên, và cuối cùng họ nhận thức được sự giống nhau giữa họ với người khác tất cả đều là tác phẩm của tự nhiên và lịch sử văn hóa nhân loại. Một người độc lập không đại biểu cho sự thành công chân chính, vì họ đã bỏ cái “tự ngã”, họ cảm nhận được vui vẻ vĩnh hằng và tốt đẹp giữa con người với tự nhiên. 

Chân tình và sự khéo léo 

Tinh thần tự kiểm điểm của Đường Tăng hóa thân của sự thanh cao mang tính ích kỷ. Nhưng sự lau chùi này cùng lắm chỉ làm cho bản thân trở nên trong sạch, chứ không mang lại ích lợi cho người khác. Coi trọng “tự ngã” một cách thái quá, tất nhiên sẽ làm tổn hại đến quan hệ giao tiếp. Tuy rằng mối quan hệ giao tiếp lấy tự ngã làm trung tâm rất phổ biến trong xã hội, song loại quan hệ giao tiếp này hoàn toàn không phải tình cảm thật giữa người với người, mà chẳng qua chỉ là một kỹ xảo trong đối nhân xử thế, nói trắng ra đó chính là sự đấu đá lẫn nhau. 

Cho dù đó là sự thanh cao mang tính ích kỷ của Đường Tăng, hay tính cách luôn muốn chứng tỏ bản thân của Tôn Ngộ Không, hoặc là sự đấu đá giữa các thành viên trong tập thể, đều không mang lại bất cứ lợi ích cho sự hợp tác giữa các thành viên trong tập thể. Ví như Tôn Ngộ Không rõ ràng biết rằng phía trước có yêu quái, nhưng trong bụng lại thầm mưu tính: “Nếu ta đem tin trước mặt có yêu quái báo cho sư phụ biết, chắc chắn sư phụ sẽ sợ hãi. Nếu không nói, sau này xảy ra chuyện gì, Lão Tôn lại phải chiến đấu.” Nghĩ đi nghĩ lại, bỗng Ngộ Không nảy ra ý tưởng: để Bát Giới đi thăm dò trước, nếu đánh thắng thì tính công cho hắn. Nếu không gặp may bị yêu quái bắt đi thì Lão Tôn sẽ ra tay cứu hắn vẫn chưa muộn. Nhân cơ hội này Lão Tôn cũng muốn thể hiện tài năng. 

Thế rồi, Ngộ Không vừa lấy tay dụi đỏ cả mắt, vừa đi về phía sư phụ. Quả nhiên Bát Giới mắt lừa, y nói: 

- Sa Hòa Thượng, lấy hành lý ra, hai chúng ta chia tay nhau thôi. 

Đường Tăng nghe nói thế, vội mắng: 

- Đang đi đường thuận lợi thế này, tại sao lại nói nhảm nhí vậy? 

Trư Bát Giới đáp: 

Sư phụ không thấy đại sư huynh đang khóc sao ? Anh ấy là một tay hảo hán trên trời dưới đất chẳng sợ ai, vậy mà bây giờ cũng sợ hãi khóc đỏ cả mắt. Chứng tỏ con yêu quái này hung hãn, đáng sợ biết nhường nào! Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, giải tán sớm sẽ hay hơn là nằm chờ chết. 

Đường Tăng lo lắng hỏi Tôn Ngộ Không: 

Tại sao con khóc sưng húp cả mắt vậy? Con định dọa ta sao? 

Ngộ Không nói: 

Con dọa sư phụ làm gì chứ? Vừa nãy, người tiều phu báo tin yêu quái vùng này vô cùng hung ác. Một mình con e không đánh thắng chúng. 

Đường Tăng vội vàng an ủi: 

Đừng quá lo lắng, ta giao Bát Giới và Sa Tăng cho con tùy ý sai khiến. Có thêm hai người giúp sức chắc sẽ lợi hại hơn. 

Tôn Ngộ Không chỉ chờ có câu nói này của Đường Tăng. Khi có quyền hành trong tay, y bèn ra lệnh cho Bát Giới đi trước thăm dò. Bát Giới quá là kẻ kém may mắn, vừa đi được một đoạn thì gặp yêu quái đi tuần núi, và trở thành tù binh đầu tiên của Kim Giác Đại Vương. Kết quả của sự đấu đá thường không phải là sự tiến bộ của cả tập thể, mà là sự hi sinh của đồng đội. 

Thuật xem tướng của Đạo sĩ già

Yêu quái đi tuần núi, tình cờ bắt được Trư Bát Giới, biết thầy trò Đường Tăng đã đến, bèn nhảy xuống núi, biến thành một đạo sĩ già gãy chân, nằm ở ven đường, miệng vừa rên rỉ vừa kêu cứu. 

Đường Tăng nghe thấy, vội thúc ngựa đến, đỡ lão đạo sĩ dậy và hỏi: 

Thưa tiên sinh, ông từ đâu đến? Sao bị thương thế này? 

Lão đạo sĩ đáp: 

Thưa sư phụ, phía tây ngọn núi này có một am gọi Thanh U. Tôi là đạo sĩ trong cái am đó. Hôm trước, tôi và đệ tử cùng đến nhà một thí chủ ở phía nam ngọn núi cúng sao giải hạn. Khi trở về gặp một con hổ vằn, đệ tử tôi bị hổ tha đi, còn tôi bị té ngã gãy chân trên sườn núi này. Xin sư phụ khởi lòng từ bi, cứu mạng sống của tôi. 

Đường Tăng nói:

Tôi là tăng ni, ngài là đạo sĩ, áo mũ tuy khác nhau, nhưng cái lý tu hành thì giống nhau. Nay gặp nhau ở đây, lẽ nào làm ngơ không cứu. Thế này vậy, tôi nhường ngựa cho ngài cưỡi. 

Lão đạo sĩ già rên rỉ, nói: 

- Chân tôi bị thương thế này, làm sao mà cưỡi ngựa được chứ? 

Đường Tăng nghĩ ngợi một lát rồi nói với Sa Hòa Thượng: 

Hay là con để hành lý lên lưng ngựa và cõng vị đạo sĩ này một đoạn đường. 

Lão đạo sĩ quay lại nhìn Sa Tăng, vội vàng lắc đầu nói: 

Sư phụ ơi! Tôi bị hổ dọa chết khiếp rồi. Vị sư phụ này đầy ám khí, khiến cho người ta sợ hãi. 

Gương mặt ám khí của Sa Hòa Thượng, chính là phản ánh tính cách tiêu cực, nhút nhát của y, trong đó bao gồm cả sự thiếu nhiệt tình, khuynh hướng theo chủ nghĩa chiết trung, không dám bày tỏ quan điểm của bản thân... Trong hoạt động của tập thể, với những thành viên có tính cách theo kiểu Sa Hòa Thượng, bề ngoài họ không có nhiều mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp, song chính họ thường là nhân tố tạo nên thất bại của tập thể. Vì thế, lão đạo sĩ cho rằng gương mặt đầy ám khí của Sa Tăng cũng đáng sợ như hổ. 

Đường Tăng không còn cách nào khác, đành phải nói Tôn Ngộ Không cõng. Lão đạo sĩ nghe thấy thế, mừng rỡ như mở cờ trong bụng. Bởi y cũng biết Tôn Ngộ Không là một nhân vật lợi hại, cần phải tìm cơ hội “trói” tay chân của hắn. Còn Ngộ Không cũng nhận ra lão đạo sĩ là yêu quái. Nhưng lần này, Ngộ Không không nổi nóng và hung hãn giống như lần đánh Bạch Cốt Tinh, mà tương kế tựu kế, vội vàng nhận lời: 

- Để Lão Tôn cõng, để Lão Tôn cõng. 

Bí mật của chiếc hồ lô 

Khi đi được khoảng năm dặm đường, Tôn Ngộ Không tụt lại phía sau, thầm mưu tính vật chết yêu quái. Nào ngờ con yêu quái ấy lại ra tay trước. Nó dùng phép thuật để dời ngọn núi Tu Di để đè Tôn Ngộ Không. Một hai ngọn núi không làm cho Tôn Ngộ Không tổn hại gì. Rồi yêu quái niệm chú, dời ngọn núi Thái Sơn đè lên đầu Ngộ Không. Tội nghiệp Tôn Ngộ Không vì không chịu nổi sức nặng của ba ngọn núi, mặt mũi tối sầm, bước loạng choạng, rồi đổ gục xuống. Ba ngọn núi ấy vẫn đè chặt lên người Ngộ Không. 

Vốn dĩ không có khó khăn trở ngại nào cả, vậy khó khăn to như ba ngọn núi ấy từ đâu ra? Điều này là do ý thức tự ngã của Tôn Ngộ Không chi phối. Cũng giống như những vận động viên leo núi cuồng nhiệt. Để chinh phục đỉnh cao, họ đã đặt núi vào trong tâm trí mình. Cũng vậy, để chiến thằng khó khăn, Tôn Ngộ Không đã đặt khó khăn lên vai mình. Kiêu căng tự phụ trước khó khăn, cuối cùng Ngộ Không đã bị khó khăn quật ngã. 

Sau khi dùng ba ngọn núi đè Ngộ Không, yêu quái cưỡi gió đuổi theo Đường Tăng. Nó đừng từ trên cao giơ tay tóm lấy Đường Tăng. Sa Hòa Thượng vội vàng vứt hành lý xuống, lấy bảo trượng ra sức chống đỡ. Đánh mới được hai ba hiệp, yêu quái đã bắt được Sa Hòa Thượng. Rồi mỗi tay xách một người, yêu quái chạy về động Liên Hoa báo tin mừng với anh trai mình là Kim Giác Đại Vương. 

Kim Giác Đại Vương nói:

- Hiền đệ quả là tài giỏi, có thể bắt được thầy trò Đường Tăng một cách dễ dàng như thế, còn dời ba ngọn núi để đè Tôn Ngộ Không. Hiền đệ ơi, chỉ có điều khi con khi này thần thông quảng đại, sớm muộn gì nó cũng tìm cách bò ra ngoài. Chúng ta phải bắt được Ngộ Không mới yên tâm. 

Ngân Giác Đại Vương nói: 

- Chuyện này có gì khó chứ? Để đệ dùng chiếc hồ lô Tử Kim Hồng bắt hắn về, khi đó, chúng ta không phải lo lắng nữa. 

Hóa ra, chiếc hồ lô Tử Kim Hồng của yêu quái có thể nhốt người. Yêu quái cầm chiếc hồ lô trong tay, gọi tên bạn, chỉ cần bạn trả lời, thì bạn sẽ bị hút vào bên trong. 

Hồ lô là vật dụng mà người dân Trung Quốc rất hay sử dụng. Dùng hồ lô đựng nước thì nước sẽ ngọt, thơm mát. Dùng hồ lô đựng rượu thì rượu sẽ không mất hương vị. Dùng hồ lô đựng thuốc thì thuốc không bị ẩm mốc. Những thí nghiệm vật lý hiện đại chứng minh rằng, những vật đựng trong bình hồ lô có thể tránh được nhiễu do các loại sóng và bức xạ gây ra. Hồ lô được bổ ra làm đôi để làm gáo múc nước. Loại gáo múc nước này có thể dùng để đãi gạo, đây là vật dụng không thể thiếu của người dân. 

Trong văn hóa Trung Quốc, hồ lô mang một ý nghĩa đặc thù. Phần bụng của hồ lô phình to giống như người phụ nữ mang thai. Vì thế truyền thuyết dân gian nói rằng, nhân loại được sinh ra từ hồ lô. 

Hồ lô và Đạo Giáo vốn có mối quan hệ khăng khít lâu đời. Tương truyền, ông tổ của Đạo Giáo là Thái Thượng Lão Quân dùng hồ lô để đựng linh đan. Từ đó trở đi hồ lô trở thành vật dụng của các đạo sĩ khi luyện đan hay hành nghề y. Vì thế hồ lô còn được coi là biểu tượng tốt lành: “Trong tay áo trời đất lớn, trong hồ lô ngày tháng dài”. Ở đây ngày tháng trong hồ lô thực ra dùng để chỉ thế giới nội tâm của con người. Còn chiếc hồ lô Tử Kim Hồng mà yêu quái dùng để nhốt người thì vật bị nhốt chính là tự ngã của con người. 

Danh tính của Tôn Ngộ Không 

Tên gọi là một phù hiệu của mỗi người, vậy cho nên khi người khác gọi tên bạn thì bạn sẽ ý thức được ngay về bản thân mình. Kim Giác Đại Vượng và Ngân Giác Đại Vương gọi Tôn Ngộ Không một tiếng thì y cũng lập tức cất tiếng, kết quả là y đã bị đưa vào bình hồ lô. 

Nói đến tên của Tôn Ngộ Không, cái tên đó là do Sư tổ Bồ Đề đặt cho ông. Ngoài cái tên đó ra thì y còn có những cách gọi khác. Ban đầu vì y phát hiện ra động Thủy Liêm nên y được cả đàn khỉ gắn cho cái tên “Mỹ hầu vương”. Sau này y theo Thái Bạch Kim Tinh lên trời, làm “Bật Mã Ôn” đi chăn ngựa ở bên Thiên Hà, y làm việc cũng rất xuất sắc, sau vì chức vị thấp khiến y tức giận phản đối thiên đình, và sau này y cũng xem đó là nỗi nhục lớn. Rồi y tự phong mình là “Tề Thiên Đại Thánh”, và tên gọi đó đã được Ngọc Hoàng thừa nhận, tuy đó thì là hư danh đi chăng nữa nhưng chỉ cần ai đó gọi một tiếng “Đại Thánh” là y thấy rất vui. Sau đó... sau đó... Đường Tăng đã giải cứu y và đặt cho y một biệt danh, gọi là”Tôn Hành Giả”. Thực ra, trên con đường của nhân sinh, bạn và tôi đều là “hành giả” cả, bạn họ Trương thì gọi là Trương hành giả, tôi họ Lý thì gọi là Lý hành giả. Vậy cho nên cái biệt danh này có ý nghĩa gì hơn so với “Tề Thiên Đại Thánh”.

Kim Giác Đại Vương và Ngân Giác Đại Vương có ba lần dùng bình hồ lô để bắt Tôn Ngộ Không, hai lần y đều nghĩ cách thoát được ra ngoài, sau đó y lại đổi tên và tiếp tục khiêu chiến với hay ma đầu. Vì thế, lần thứ nhất y giả là “Tôn hành giả”, lần thứ hai giả là “Giả hành tôn”, còn lần thứ ba thì là “Hành giả tôn”. Giả đi giả lại đến yêu quái cũng phải sợ, tại sao “Tôn hành giả” lại xuất hiện nhiều như vậy? Tôn Ngộ Không cũng thấy đau đầu, sao đổi tên rồi mà cũng phải giả nữa. 

Kim Giác Đại Vương và Ngân Giác Đại Vương không biết rằng, Tôn Ngộ Không mạnh mẽ tuy cũng có ý thức tự ngã trong tâm, nhưng lại là người theo đuổi hiệu quả thực tế, hơn nữa y lại biến hóa khôn lường, vì thế rất khó bị cái tự ngã trói buộc trong thời gian dài. 

Còn Tôn Ngộ Không thì y đâu biết rằng cái tên chỉ là một cái phù hiệu của chính mình. Cho dù bạn có lấy cho mình bao nhiêu cái tên đi nữa thì cái tự ngã đó chỉ là một. Cho dù người khác có gọi bạn bằng cái tên nào đi nữa thì đều gọi vào ý thức tự ngã của bạn. 

Mặt trái của khó khăn chính là cơ hội 

Một số thị trường tiêu thụ cũng gặp phải vấn đề như Tôn Ngộ Không và tập thể của y, tức là luôn coi mình là trung tâm, coi sản phẩm của mình là chủ yếu để đặt ra chính sách giá cả, bước đi và việc tiêu thụ hàng hóa. Trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt thì việc tự cho mình là đúng sẽ dẫn đến những nguy hiểm khó lường. 

Ngược lại phương châm lấy người khác làm trung tâm, đồng nghĩa với việc bạn cần phải nhận thức, tìm hiểu về người khác và xã hội cùng với bí mật của giới tự nhiên, chứ không phải để người khác nhận thức bạn; đồng nghĩa với việc bạn cần phải đến gần người khác, thâm nhập vào xã hội và giới tự nhiên, chứ không phải để cho người khác mê hoặc bạn; cũng đồng nghĩa với việc bạn cần phải cho người khác tình yêu thương vô điều kiện, sự chân thành thẳng thắn và phải biết giữ lời hứa. 

Tại sao cần phải có tình yêu thương vô điều kiện? Nguyên nhân rất đơn giản, bởi lẽ yêu thương có điều kiện vẫn là lấy tự ngã (bản thân) làm trung tâm. Khi bạn để tâm đến những gì đã cho đi, bạn sẽ so đo tính toán. Khi bỏ ra tình yêu thương vô điều kiện, chứng tỏ bạn lấy người khác làm trung tâm. Bạn lặng lẽ để ý, quan tâm đến người khác, dùng phương thức thỏa đáng để cho đi, hơn nữa, không mong chờ nhận lại. 

Chúng ta có thể đưa ra định nghĩa sau cho hai loại tình yêu thương khác nhau này: 

Tình yêu thương có điều kiện: vì có những điều kiện thích hợp nên mới yêu thương. 

Tình yêu thương vô điều kiện: vì có tình yêu thương nên tìm điều kiện thích hợp. 

Vì có sự so đo tính toán, nên tình yêu thương có điều kiện thường dẫn đến tâm lý phản kháng của người được yêu thương. Tình yêu thương vô điều kiện thì không như thế. Nó có thể mang lại cảm giác an toàn cho người khác, có thể giúp người được yêu thương dùng phương thức lý giải riêng của bản thân để trải nghiệm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trong quan hệ giao tiếp, hay giữa những thành viên trong tập thể, tình yêu thương vô điều kiện có thể gặp phải sự hiểu lầm, nhưng cuối cùng chắc chắn sẽ giành được sự thừa nhận và phản hồi của đối phương, từ đó có thể xây dựng nên sự giúp đỡ lẫn nhau mang tính cộng đồng và nhân văn. 

Quản lý ý thức tự ngã của chúng ta 

Hồ lô giả người, cất tiếng vọng theo, rất ít người có thể tránh khỏi ma lực của bình hồ lô ý thức tự ngã. Có điều, cũng không ai ngờ rằng, Kim Giác Đại Vương và Ngân Giác Đại Vương chính là hai vị đồng tử trông coi lò luyện đan cho Thái Thượng Lão Quân. Thầy trò Đường Tăng vừa mới vượt qua Bình Đình Sơn thì Thái Thượng Lão Quân đã đến đòi lại bình hồ lô. Ông mở nắp đậy bình hồ lô ra, đổ ra hai loại khí tiên rồi dùng tay chỉ vào thì hóa thành hai vị đồng tử, và ông dẫn hai vị đồng tử đi luôn. 

Hóa ra, ý thức tự ngã có lúc sẽ tác yêu tác quái, trở thành ma chướng trên con đường đi đến thành công của chúng ta, nhưng nó không thể phủ định toàn bộ. Khi chúng ta tu luyện tâm tính thì vẫn cần đến sự “canh giữ” của ý thức tự ngã. Giống như lò lửa của Thái Thượng Lão Quân, chúng ta vẫn cần ý thức tự ngã để giữ gìn và khích lệ chí tiến thủ của chúng ta. Không có lò lửa hừng hực của Thái Thượng Lão Quân sẽ không luyện thành kim đan không có lòng tiến thủ tích cực thì tất nhiên chúng ta không thể giành được nhân sinh viên mãn. 

Chính vì vậy, chúng ta cần phải học cách quản lý ý thức tự ngã của chúng ta, một mặt vừa tạo phương hướng cho sự trưởng thành của chúng ta, cho ta sự tán thưởng bản thân, cho ta sự nhiệt tình, mặt khác cũng mang đến sự hạn chế nghiêm túc. Chúng ta gọi việc quản lý ý thức tự ngã là “nguyên tắc xử thế làm người”.

( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét