Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phần 19 - Dập tắt ngọn Hỏa Diệm Sơn trong tâm lý

Ba lần lấy Quạt Ba Tiêu
Sở dĩ chiếc Quạt Ba Tiêu có thể dập tắt được Hỏa Diệm Sơn là nhờ có “cái tâm” nằm trong chiếc quạt. Nó tượng trưng cho sự tĩnh lặng, thư thái, an nhiên. Khi có được tâm trạng như thế thì ngọn lửa của sự lo lắng làm sao có thể bốc cháy được? 

Người mẹ của Hồng Hài Nhi 

Thầy trò Đường Tăng rời động Hỏa vẫn, nhắm hướng Tây thẳng tiến. Họ không ngờ được rằng vừa hàng phục được Hồng Hài Nhi đã gặp ngay Hỏa Diệm Sơn ngùn ngụt lửa. Vì sao phải cầu cứu công chúa Thiết Phiến?

Vì Hỏa Diệm Sơn ngang dọc 800 dặm, lửa cháy rừng rực, xung quanh một tấc cỏ cũng không sống nổi. Trăm họ trong vùng vì cuộc sống, đành phải đến núi Thúy Sơn bên ngoài ngàn dặm cầu xin công chúa Thiết Phiến. Công chúa Thiết Phiến có một chiếc Quạt Ba Tiêu, quạt cái thứ nhất lửa tắt, quạt cái thứ hai gió nổi lên, quạt cái thứ ba mưa trút xuống, nhân dân tranh thủ thời gian gieo trồng, kịp thời thu hoạch. 

Tôn Ngộ Không bổ nhào đến núi Thúy Sơn, hỏi thăm, biết công chúa Thiết Phiến ở trong động Ba Tiêu và là mẹ của Hồng Hài Nhi thì vô cùng hoảng sợ, trong lòng thầm nghĩ: “Đây mới thật là không phải oan gia không đối đầu! Không còn cách nào khác, Tôn Ngộ Không đành phải bất chấp khó khăn tìm được cửa động Ba Tiêu, cầu kiến công chúa Thiết Phiến. 

Hỏa Diệm Sơn trong tâm lý 

Hỏa Diệm Sơn nằm tại trung bộ bồn địa Turpan, dài 9km. Theo giới thiệu của các nhà địa chất học. Hỏa Diệm Sơn là một nếp uốn nhỏ và ngắn trước sườn nam núi Bogda phía đông Thiên Sơn, được hình thành trong thời kỳ vận động của núi Hymalaia, cách đây 200 vạn năm. Nhìn từ xa, ngọn núi này do một dãy núi sa thạch màu đỏ cấu thành có hình dạng giống như một con rồng lửa màu đỏ. Trên thực tế, đây đích thực là nơi nóng nhất thế giới, nhất là vào mùa hạ, nhiệt độ không khí cao nhất lên tới 47.8 độ, nhiệt độ cao nhất trên mặt đất từ 70 độ trở lên, đương nhiên một tấc cỏ cũng không thể sống được. Vùi một quả trứng gà trong hốc cát một lát là có thể chín. 

Nhưng, Hỏa Diệm Sơn trong Tây du ký lại có một huyền cơ khác, nó miêu tả là Hỏa Diệm Sơn trong tâm lý. Tương truyền khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, một chân đá lật lò Bát quái của Thái Thượng Lão Quân, trong đó có một số hòn than rơi xuống nhân gian biến thành Hỏa Diệm Sơn. Than trong lò Bát quái vốn dùng để luyện đan, tương đương với một loại nhiệt huyết theo đuổi thành công của chúng ta ngày nay. Nhưng đan không luyện thành, than trong lò lửa lại diễn biến thành một trạng thái tiêu cực lo âu. Lo âu đích thực là một chướng ngại tâm lý khá nghiêm trọng, nó giống như Hỏa Diệm Sơn chắn ngang đường đi thỉnh Kinh vậy. 

Đặc biệt là đối với con người thời hiện đại bận rộn tất bật như chúng ta ngày nay. Lo âu cơ hồ trở thành một chứng bệnh tâm lý. Ham muốn và kỳ vọng quá cao tạo thành một tiết tấu nhanh trong cuộc sống, trong bận rộn vẫn luôn ẩn tàng sự âu lo và khủng hoảng vô tận. Khi mức độ và thời gian duy trì lo âu vượt qua hạm vi nhất định sẽ tạo thành bệnh thần kinh mang tính lo âu, người mắc bệnh sẽ luôn luôn cảm thấy căng thẳng, lỡ làng, khủng hoảng, khả năng điều hòa của nào suy giảm, không thể tập trung sự chú ý khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ không ngon, dễ mệt mỏi, tạo thành sự phiền phức khá nghiêm trọng đối với tư duy và quyết sách trong học tập, công tác và cuộc sống hằng ngày.

Nếu chúng ta đem những lo âu này vào công việc, thì sẽ có những ảnh hưởng rất tiêu cực. Những công việc vốn có thể hoàn thành một cách dễ dàng cũng trở nên vô cùng khó khăn. Đặc biệt là đối với những người lãnh đạo tập thể, lo âu sẽ khiến cho toàn bộ môi trường làm việc biến thành khủng hoảng, không người nào có thể tránh được. 

Có một con yêu quái tên gọi là “tâm trạng” 

Vậy công chúa Thiết Phiến và chứng lo âu có quan hệ với nhau như thế nào Trong truyện kể rằng, chiếc Quạt Ba Tiêu của cô có thể quạt tắt ngọn lửa rừng rực của Hỏa Diệm Sơn. Phiến có nghĩa là gió, là một đại trong tứ đại “đất, nước, lửa, gió” trong Phật Giáo. Phật Giáo cho rằng, tứ đại là bốn nguyên tố chủ yếu cấu thành mọi vật chất. Trong cơ thể con người, da thịt gân xương thuộc Thổ, tinh huyết nước bọt thuộc Thủy, nhiệt độ cơ thể thuộc Hỏa, vận động hô hấp thuộc Phiến. Phật Giáo cho rằng, cơ thể con người là sản phẩm tụ hội nhân duyên của tứ đại, cũng do tứ đại tan ra mà tiêu biến, cho nên con người không hề tồn tại một bản thể chân thực vì thế gọi là “tứ đại giai không”. 

Chúng ta rất khó có thể dùng khái niệm vật lý để giải thích tứ đại. Nói một cách đơn giản, đất đối ứng với thể rắn, nước đối ứng với thể lỏng, gió đối ứng với thể khí, lửa đối ứng với nhiệt độ. Nhưng, loại đối ứng này không phải là tuyệt đối, chính như quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, thông tin mà thế giới bên ngoài phát ra hướng đến chúng ta, ví dụ như một nụ cười, chính là thuộc gió; cảm nhận của chúng ta đối với thế giới bên ngoài, cảm thấy ấm áp chính là thuộc lửa. Cho nên, tứ đại của Phật Giáo trên thực tế vượt qua phạm trù vật lý học. 

Chiếc Quạt Ba Tiêu của công chúa Thiết Phiến quạt lên, tạo nên một loại gió ưu điềm tĩnh, tự nhiên, nhất tâm bất loạn, còn bản thân công chúa Thiết Phiến là một la sát có tên gọi “tình cảm”. Ngưu Ma Vương là một “tâm linh” ngông cuồng không gì trói buộc được, công chúa Thiết Phiến là một loại “tâm tình” bất định khó đoán, hai vợ chồng sinh ra đứa con là “phẫn nộ”, gia đình này mỗi thành viên có một loại tính cách khác nhau và không thành viên nào dễ ưa cả. 

Nhưng “Muốn qua Hỏa Diệm sơn, phải cầu tiến Thiết Phiến”, cho dù là Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại cũng phải chấp nhận sự thực này, đành phải đứng trước cửa hàng Ba Tiêu với tâm trạng thấp thỏm bất an đợi công chúa Thiết Phiến. 

Lần đầu tiên lãnh giáo sự lợi hại của Quạt Ba Tiêu 

Ai ngờ công chúa Thiết Phiến vừa nghe nói có Tôn Ngộ Không cầu kiến lập tức giống như que diêm rơi vào lò lửa, trong lòng bừng lên sự thù hận, nghiến răng mắng: “Con khỉ khốn kiếp! dám tìm đến động ta!” nói rồi mặc giáp sắt lai nịt chỉnh tề, cầm cặp gươm hừng hực phẫn nộ xông ra cửa. 

Tôn Ngộ Không vội vàng khom lưng thi lễ nói: 

Tẩu tẩu, Lão Tôn làm phiền đến tẩu tẩu rồi! 

Công chúa Thiết Phiến “hừ” một tiếng nói: 

- Ai là tẩu tẩu của người. 

Tôn Ngộ Không nói: 

- Lão Tôn và Ngưu Ma Vương là anh em kết nghĩa, Công chúa là vợ của đại ca tôi, đương nhiên cũng là tẩu tẩu của Lão Tôn rồi.

Công chúa Thiết Phiến quát hỏi: 

Con khỉ to gan kia, đã là anh em của Lão Ngưu, sao người lại làm hại con ta ? 

Tôn Ngộ Không cười phân trần: 

Tẩu tẩu hiểu lầm Lão Tôn rồi. Lúc đó vì con trai của tẩu quyết ăn thịt sư phụ tôi, bắt sư phụ tôi. Lão Tôn cùng y quyết đấu cũng là hợp tình hợp lý. Nay y đã làm Thiện Tài đồng tử trước giá của Quan Âm Bồ Tát, nhận chính quả của Bồ Tát, tẩu sao lại có thể trách Lão Tôn được? 

Công chúa Thiết Phiến nói: 

Con ta tuy tiếng là Thiện Tài đồng tử, kỳ thực có khác nào phạm nhân, sao lại không phải là người hại nó ? 

Tôn Ngộ Không phân trần: 

Bồ Tát dạy y quy tắc làm người, đương nhiên y sẽ chịu một số ước thúc sao lại có thể giống như phạm nhân được?

Công chúa Thiết Phiến nói: 

Ta không cần phải phí lời với ngươi, hãy mau chìa đầu ra để ta chém mấy nhát! Nếu chịu được đau đớn thì ta sẽ cho người mượn Quạt Ba Tiêu; nếu không chịu nổi, thì ta cho người đi gặp Diêm Vương! 

Tôn Ngộ Không vẫn làm mặt tươi cười đáp: 

- Nếu tẩu tẩu chém mấy nhát mà có thể nguôi giận thì xin mời tẩu tẩu cứ chém thật lực chỉ cần sau khi chém xong, nhất định phải cho ta mượn Quạt Ba Tiêu. 

Công chúa Thiết Phiến chẳng nói chẳng rằng, hai tay giương bảo kiếm, nhằm trúng đầu Tôn Ngộ Không chém liên tiếp mấy nhát. Đầu Tôn Ngộ Không cứng như sắt thép, không hề có chút thương tích nào, Công chúa Thiết Phiến kinh hãi, quay đầu định đi.

Tôn Ngộ Không kêu lên: 

Tẩu tẩu khoan hẵng đi! Tẩu vẫn chưa cho ta mượn Quạt Ba Tiêu! 

Công chúa Thiết Phiến nói: 

Bảo bối của ta, sao có thể nói mượn là mượn được. 

Tôn Ngộ Không “hừ” một tiếng quát:

Tẩu tẩu đã nuốt lời chớ trách Lão Tôn không khách khí! 

Nói rồi rút gậy như ý dắt trên tai, nhảy đến khiêu chiến. Công chúa Thiết Phiến vội vàng quay đầu giơ kiếm ra đỡ, gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không rất nặng, công chúa Thiết Phiến đương nhiên không phải là đối thủ, bèn lấy Quạt Ba Tiêu từ trong miệng ra, phất một cái, chiếc quạt to dần quạt Tôn Ngộ Không biến mất không tăm tích. 

Tôn Ngộ Không giống như một chiếc lá khô bị cuồng phong cuốn đi, bay bỗng trên không trung suốt một đêm, đến tận sáng sớm, phải cố gắng hết sức để ôm lấy một tảng đá mới dừng lại được. Ngộ Không nhìn trái rồi nhìn phải, thấy mình rơi xuống núi Tu Di. Ngộ Không than dài một tiếng nói: “Quả là một la sát lợi hại! Một trận gió mà thôi Lão Tôn bay đến mấy vạn dặm!” 

Bát phong xuy bất động, nhất thí quá giang lai 

Nói đến sức mạnh của “gió” thi nhân triều Tống là Tô Thức đã có sự thể hiện sâu sắc nhất. Đương thời ông nhậm chức ở Qua Châu, Giang Bắc, cách chùa Kim Sơn ở Giang Nam một con sông. Một hôm Tô Thức tự cho là mình đã tư trí chứng đắc bèn cao hứng làm một bài thơ sai tiểu đồng qua sông giao cho Thiền sư Phật Ân trụ trì chùa Kim Sơn ấn chứng. Bài thơ viết: 

Đành lễ Bậc Giác ngộ.
Hào quang chiếu vũ trụ. 
Tám gió thổi chẳng động. 
Ngồi vững tòa sen vàng. 

“Bát phong” là gì? Từ trên mặt chữ có thể thấy, nghĩa là tám phía gió thổi đến. Còn trong quan niệm của Phật Giáo đó là tám loại gió tình cảm là lợi, suy, hủy, sự, xứng, cơ, khổ, lạc. 

Cái gọi là lợi chính là thứ mà sĩ, nông, công, thương hàng ngày đều phải vất vả giành lấy, thiên hạ nhộn nhịp, đều vì lợi mà đến, thiên hạ dập dìu, đều vì lợi mà đi. Bản chất con người là xu lợi mà tránh hại, điều đó cũng không có gì đáng trách, nhưng điều đáng than là con người bị lợi che mắt mà làm trái với đạo làm người. 

Cái gọi là suy, cũng chính là suy vận, nói một cách dễ hiểu, đó chính là nghịch cảnh. Nghịch cảnh rất dễ làm tiêu tan ý chí của mỗi người, người có thể tự đứng lên được trong nghịch cảnh thì sẽ được người khác xem là anh hùng. 

Cái gọi là hủy và dự, chính là người khác phỉ báng và khen ngợi bạn, thông thường chúng sẽ có ảnh hưởng xã hội nhất định đối với vòng quay cuộc sống của bạn, cho nên nó có quan hệ đến vấn đề thể diện mà mọi người thường nói đến. 

Xứng và cơ, tức người khác tán dương hoặc nhạo báng trước mặt bạn, người ta nói mấy câu dễ nghe bạn liền sung sướng phát điên, người ta nói vài lời khó nghe bạn liền cảm thấy vô cùng ức chế. 

Còn việc trốn tránh khổ nạn, theo đuổi hưởng lạc đều là điều thường tình của con người, cũng là bản chất của con người. Cho nên mỗi người trong chúng ta đều khó tránh khỏi sự sai khiến của tình cảm, một phút quá khích, một phút hấp tấp hoặc một phút nóng giận sẽ có thể dẫn đến quyết định sai lầm. 

Thiền sư Phật Ân đọc bài thơ Tám gió thổi chẳng động của Tô Đông Pha, liền cầm bút phê một chữ, bảo thư đồng mang về. Tô Đông Pha mở ra xem, chỉ thấy trên đó phê một chữ “u” (đánh rắm) to tướng. Không ghìm nổi tức giận. Tô Đông Pha lập tức bươn bã vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ân. 

Gặp nhau ở bên sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: “Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia”. Thiền sư Phật Ân liền cười xõa, nói: “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã vội vã sang sông rồi.” 

Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra thẹn đỏ mặt. “Đánh rắm” chính là “cơ” cũng chính là một trong “tám gió”. Một chữ “đánh rắm” của Phật Ân có thể thổi được Đông Pha sang sông thì có thể thấy được sự lợi hại của “gió” ở mức nào. Sau này có người đem câu chuyện này viết thành một câu đối: 

Tám gió thổi chẳng động 
Đánh rắm phải sang sông. 

Chui vào bụng công chúa Thiết Phiến 

Tôn Ngộ Không ngồi trên núi Tiếu Tu Di rất lâu, nhớ đến một người quen ở đây. Là ai vậy? Chính là Linh Cát Bồ Tát đã từng giúp Ngộ Không hàng phục Hoàng Phong Quái. Vừa đến cổng nhà Bồ Tát, đúng dịp có thể ôn lại chuyện cũ. Vừa khéo Linh Cát Bồ Tát đang cất một viên định phong đơn, thấy Tôn Ngộ Không gặp nạn, không hề do dự giao định phong đơn cho Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không có viên định phong đơn này, dù cho công chúa Thiết Phiến có múa quạt thổi gió đến mức nào, Ngộ Không cũng có thể trấn định vững vàng. 

Tôn Ngộ Không đa tạ Linh Cát Bồ Tát, chiếc cân đẩu vân đưa Tôn Ngộ Không trở lại núi Thúy vân, dùng gậy Như Ý gõ cửa hang Ba Tiêu, gọi: 

Tẩu tẩu mở của! Lão Tôn đến để mượn quạt đây! 

Công chúa Thiết Phiến nghĩ thầm: “Con khỉ này thật có bản lĩnh, ta quạt một cái có thể thổi nó bay tám vạn bốn nghìn dặm, làm thế nào mà có thể quay lại nhanh như thế được?” rồi lại hừng hực khí thế xông ra cửa quát: 

Tôn Ngộ Không, người lại tìm đến cõi chết phải không?

Tôn Ngộ Không cười nói: 

Ta thành tâm đến mượn quạt, tẩu tẩu không nên keo kiệt như vậy. 

Công chúa Thiết Phiến mắng: 

Con khỉ to gan, ta sẽ không cho người mượn quạt đâu! Nếu là mượn gió ta tuyệt đối sẽ không keo kiệt. Mau mau lại đây, ta sẽ khiến người không tìm được đường về! 

Nói rồi dùng hết sức múa Quạt Ba Tiêu, cuồng phong lập tức nổi lên, mặt trời biến sắc, mây cuốn mù mịt, cây cối bật gốc, ngay dưới chân Tôn Ngộ Không cũng bị thổi đến mức một tấc đất cũng khó lòng sót lại, nhưng riêng Tôn Ngộ Không vẫn đứng vững như bàn thạch. Công chúa Thiết Phiến quạt liền một lúc bảy tám cái, Tôn Ngộ Không vẫn không chút động đậy. 

Công chúa Thiết Phiến thấy tình thế không tốt bèn vội vàng thu quạt, quay vào hang Ba Tiêu đóng chặt cửa lại. Tôn Ngộ Không cười thầm, rung người biến thành con con ruồi, bay theo vào hang. 

Công chúa Thiết Phiến về đến động thì hổn hển thở không ra hơi, chợt cảm thấy mồm miệng khô khốc, lấy một cốc trà định uống. Tôn Ngộ Không nhanh như tia chớp bay lại nấp vào bong bóng nước trà, được Công chúa Thiết Phiến uống vào bụng. Từ trong bụng Công chúa Thiết Phiến Ngộ Không lên tiếng nói: 

Tẩu tẩu, hãy mang Quạt Ba Tiêu cho ta mượn mau! 

Công chúa Thiết Phiến kinh sợ thất sắc, run rẩy hỏi người hầu: 

Tôn Ngộ Không gọi từ đâu vậy? 

Người hầu lắng nghe rồi cũng biến sắc đáp: 

Hắn ở trên mình chủ nhân gọi!

Công chúa Thiết Phiến hỏi: 

Tôn Ngộ Không, người làm cái trò quỷ quái gì thế? 

Tôn Ngộ Không cười nói: 

Lão Tôn ta cả đời chưa bao giờ làm trò quỷ quái, đều là dựa vào bản lĩnh của ta cả! Nay ta đã ở trong bụng người, nhìn thấy hết lục phủ ngũ tạng của người. 

Công chúa Thiết Phiến hoảng hốt gọi: 

- Ngươi không được làm càn! 

Tôn Ngộ Không nói: 

Thứ ta cần là Quạt Ba Tiêu, làm sao ta có thể làm càn được? 

Công chúa Thiết Phiến nói: 

Nếu ta không cho ngươi mượn thì sao? 

Tôn Ngộ Không cười đáp: 

Nếu ngươi không cho, ngươi phải chịu đau đớn đấy. 

Nói rồi đạp chân một cái, Công chúa Thiết Phiến lập tức kêu van thảm thiết, đau đớn kịch liệt khiến bà ta phải quằn quại trên đất. 

Phải nữa ngày sau, Công chúa Thiết Phiến mới lấy tại được hơi, thều thào hỏi: 

- Tôn Ngộ Không, người không sợ dạ dày của ta sẽ tiêu hóa ngươi sao? Tôn Ngộ Không cười nói: 

Lò Bát quái của Thái Thượng Lão Quân còn không làm gì được ta, há lại sợ cái dạ dày của ngươi. Nếu ngươi không sợ bụng người đau không chịu nổi thì ta lại cho người một trận nữa! nói rồi bèn thúc đỉnh đầu một cái. Công chúa Thiết Phiến lại la thất thanh, quằn quại dưới đất kêu lên: 

Tôn thúc thúc tha mạng! 

Tôn Ngộ Không nói: 

- Ta cần mạng của ngươi làm gì? Cái ta cần là Quạt Ba Tiêu. 

Công chúa Thiết Phiến vội vàng đồng ý: 

Ta cho, ta cho, người mau ra đi! Nói rồi vội vàng gọi người hầu đi lấy Quạt Ba Tiêu đặt xuống bên cạnh. 

Tôn Ngộ Không nói: 

Tẩu tẩu, xin tẩu hãy há miệng ra! Ta sẽ ra ngay! 

Công chúa Thiết Phiến lập tức há to miệng, Tôn Ngộ Không hét lên một tiếng nhảy ra ngoài, cầm lấy quạt nói: 

- Xin đa tạ! Đợi ta quạt tắt Hỏa Diệm Sơn sẽ lập tức đem quạt trả cho tẩu! 

Quạt Ba Tiêu thật giả

Tôn Ngộ Không đến trước Hỏa Diệm Sơn, giơ cao Quạt Ba Tiêu, cố hết sức quạt, nhưng lạ thay lửa trên núi càng cháy to hơn. Quạt thêm lần nữa, thế lửa càng lớn gấp bội. Tôn Ngộ Không tức giận, hai tay lật Quạt Ba Tiêu lấy hết sức quạt, ngọn lửa bốc lên cao hàng ngàn trượng. Tôn Ngộ Không trở tay không kịp, lông ở hai bắp chân đều bị thiêu rụi bèn hoảng hốt ném quạt đi, nhảy lên cân đẩu vân bay ra xa. 

Làm thế nào đây ? Tôn Ngộ không ngồi buồn rầu. Thần thổ địa của Hỏa Diệm Sơn xuất hiện nói với Ngộ Không, chiếc Quạt Ba Tiêu mà Công chúa Thiết Phiến cho ngài mượn là giả, nếu muốn có được Quạt Ba Tiêu thật thì phải tìm Ngưu Ma Vương chồng của Công chúa Thiết Phiến. 

Tôn Ngộ Không nghĩ, đúng rồi! Ngưu Ma Vương là một “tâm linh” ngông cuồng Công chúa Thiết Phiến là một loại “tình cảm” bất định khó đoán, “tình cảm sẽ ảnh hưởng đến “tâm linh”, nếu “tâm linh” có thể bình tĩnh được thì “tình cảm” tự nhiên sẽ ổn định. “Tình cảm” ổn định thì chứng âu lo sẽ lập tức được dẹp bỏ. Ngộ Không căn dặn Trư Bát Giới và Sa Tăng bảo vệ tốt cho sư phụ rồi lại nhảy lên cân đẩu vân đến Tích Lôi Sơn tìm Ngưu Ma Vương. 

Liên quan đến chiếc quạt giả kia của Công chúa Thiết Phiến cũng có một công án. Do quạt giả cũng là quạt, cùng là quạt, vì sao một chiếc có thể trợ lửa một chiếc có thể dập tắt lửa ? Chúng ta đã biết, quản lý đoàn thể khi phân phối nhiệm vụ công tác khó tránh khỏi có một số công nhân viên vì sợ không thể hoàn thành nhiệm vụ mà cảm thấy lo lắng. Làm quản lý, bạn có hai chiếc quạt có thể sử dụng. 

Chiếc quạt thứ nhất: Nghiêm khắc phê bình. Bạn cho rằng những phê bình này có thể chỉ ra điểm sai trong ý thức của nhân viên, có thể giúp họ sửa đổi thái độ của mình. Thậm chí bạn còn cho rằng, phê bình càng nghiêm khắc thì càng giúp họ sửa chữa tốt sai lầm của mình hơn. Kỳ thực bạn đã nhầm to, vì sự phê bình của bạn sẽ tăng thêm áp lực cho nhân viên, cũng giống như Tôn Ngộ Không quạt chiếc quạt giả, càng quạt ngọn lửa càng bốc cao. 

Chiếc quạt thứ hai: Hướng dẫn công nhân viên tự mình thoải mái luyện tập, khiến họ dùng một tâm trạng thoải mái nhận thức lại khả năng của mình. Lúc này, các nhân viên sẽ dẹp bỏ được những lo lắng không cần thiết, từ đó có thể đủ chuyên tâm nhất chí bắt tay vào công việc. 

Quạt Ba Tiêu thật sở dĩ có thể quạt tắt Hỏa Diệm Sơn, chính là do nó làm từ lá Ba tiêu, nó tượng trưng cho thái độ sống tự nhiên, điềm tĩnh, an nhiên tự tại. Có được tâm thái như vậy thì còn có điều gì cần phải lo lắng nữa ? 

Gặp lại nhau không luận bằng hữu 

Động Ma van ở Tích Lôi Sơn là nhà của Ngưu Ma Vương và vợ bé của ông ta là công chúa Ngọc Diện. Có duyên mới bèn quên ngay tình cũ đã rất lâu Ngưu Ma Vương không về động Ba Tiêu. 

Tôn Ngộ Không đến động Ma van tìm Ngưu Ma Vương. Cũng giống như công chúa Thiết Phiến, Ngưu Ma Vương cũng cho rằng Tôn Ngộ Không hãm hại con trai bảo bối của họ, vốn không có thái độ tốt lành tiếp đãi vị nghĩa đệ này. Lời qua tiếng lại, lại biết thêm Tôn Ngộ Không đã chui vào bụng Công chúa Thiết Phiến làm càn khiến Ngưu Ma Vương càng thêm tức giận. “Gậy Như Ý, côn Hỗn Thiết, gặp nhau không luận bằng hữu”, hai anh em đổi bạn thành thù quyết đấu một trận trước động Ma vân. 

Vì sao hai anh em lại “gặp nhau không luận bằng hữu?” Vì Tôn Ngộ Không đã không còn là một Tề Thiên Đại Thánh đại náo Thiên cung năm nào mà đã trở thành một hành giả không ngừng sửa chữa khuyết điểm, nỗ lực hướng thiện. Còn Ngưu Ma Vương vẫn là một kẻ ngông cuồng không gì khống chế được. Vì thế, quan điểm xử thế của hai anh em đã nảy sinh sự xung đột. 

Giống như Tôn Ngộ Không, lúc nhỏ chúng ta cũng có rất nhiều bạn bè, cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Khi đã trưởng thành, nhớ về cố hương, gặp lại những người bạn từ thưở hàn vi. Nhưng không thể nói chuyện lâu được với nhau vì không có tiếng nói chung, vì khác biệt về quan niệm sống. Như vậy, bạn sẽ im lặng trong sự náo nhiệt khi gặp lại nhau, bạn hiểu bạn không thể nào xây dựng được một tình hữu nghị mới với họ. Thậm chí, bạn có thể sẽ giống như Tôn Ngộ Không, lập tức có thể cãi nhau với Ngưu Ma Vương. 

Tôn Ngộ Không và Ngưu Ma Vương cãi nhau, đánh nhau tưng bừng, lúc đó có người đến mời Ngưu Ma Vương ăn cơm. Ngưu Ma Vương liền dùng gậy Hỗn Thiết của mình ngăn gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không lại đề nghị: “Hai chúng ta quyết đấu như vậy, chẳng phải đã quá lâu rồi sao ? Ngươi hãy dừng tay, ta phải đi gặp một người bạn.” Rồi không quan tâm đến Tôn Ngộ Không, Ngưu Ma Vương đi thẳng vào động chào công chúa Ngọc Diện, rồi cưỡi lên “tích thủy kim tinh thú” của ông ta bay vút về hướng Tây Bắc. 

Tôn Ngộ Không cũng lập tức biến thành một trận gió nhanh chóng đuổi theo.

Nguyên là Lão Long của đầm Bích Ba đến mời Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không bèn tìm cơ hội trộm lấy “kim tinh thú” của Ngưu Ma Vương, lắc mình biến thành hình dạng giống như Ngưu Ma Vương, khệnh khạng trở về động Ba Tiêu núi Thúy Sơn. Công chúa Thiết Phiến không biết thật giả, quả nhiên bị Ngưu Ma Vương giả lừa mất Quạt Ba Tiêu thật. 

Sự biến hóa của tâm trạng 

Ngưu Ma Vương từ long cung ra không thấy “kim tinh thú” đâu, đoán ngay là Tôn Ngộ Không trộm đi. Y lập tức từ biệt Lão Long, một trận cuồng phong đưa Ngưu Ma Vương trở về động Ba Tiêu. Cách biệt lâu ngày, gặp đúng lúc công chúa Thiết Phiến đang nổi cơn thịnh nộ. Ngưu Ma Vương hỏi: 

Phu nhân, có phải Tôn Ngộ Không qua đây không? 

Công chúa Thiết Phiến vừa khóc vừa chửi: 

- Con khỉ khốn kiếp biến thành hình dạng của chàng, lừa mất bảo bối của thiếp đi rồi! 

Ngưu Ma Vương cười nhạt: 

Phu nhân đừng khóc, lão ngưu sẽ giúp nàng tìm lại bảo bối. 

Tôn Ngộ Không vác chiếc Quạt Ba Tiêu, đắc ý trở về. Đang trên đường đi, Trư Bát Giới đón đầu nói: 

- Đại sư huynh, sư phụ sợ huynh không phải là đối thủ của Ngưu Ma Vương, sai đệ đến giúp huynh! 

Tôn Ngộ Không cười nói: 

- Không cần đệ giúp, ta đã lấy được rồi. Ngươi xem, cái ta đang vác trên vai là gì? 

Trư Bát Giới nói: 

Đại sư huynh vất vả rồi, chiếc quạt này để lão Trư vác thay huynh! 

Tôn Ngộ Không cũng không đề phòng thuận tay đưa quạt cho Trư Bát Giới. 

Không ngờ, Trư Bát Giới cầm quạt trong tay, niệm một câu chú, biến chiếc Quạt Ba Tiêu nhỏ như chiếc lá giấu trong mình. Tôn Ngộ Không thấy lạ, lại thấy Trư Bát Giới kia lau mặt một cái, hiện ngay thành bản tướng của Ngưu Ma Vương. Trư Bát Giới giả này lừa mất Quạt Ba Tiêu thật. 

Giống như Nhị Lang Thần năm nào 

Trư Bát Giới thật mãi sau mới đến. Nguyên là, Đường Tăng và thần thổ địa của Hỏa Diệm Sơn đàm luận đến thần thông của Ngưu Ma Vương. Thần thổ địa nói: 

Ngưu Ma Vương cũng có 72 phép biến hóa, lại có sức khỏe phi thường, đúng là đối thủ của Tôn Ngộ Không. 

Đường Tăng bèn gọi Trư Bát Giới đến căn dặn: 

Đại sư huynh ngươi nay là đánh trên đất khách, e rằng có chuyện bất trắc, ngươi hãy đến giúp y! 

Trư Bát Giới nói: 

- Con không quen đường! 

Thần Thổ địa nói: 

Ta sẽ dẫn đường! 

Trư Bát Giới bèn lấy hết tinh thần cùng thần thổ địa chạy thẳng theo hướng Tôn Ngộ Không. 

Ngưu Ma Vương vừa về đến động Ba Tiêu hai huynh đệ Tôn Ngộ Không cũng chạy ngay theo sau. Ba người đánh nhau kịch liệt trên không trung đỉnh núi Thúy vân. Đánh đến hơn 50 hiệp. Ngưu Ma Vương thấy không chống cự được, bèn hoảng hốt ném gậy, lắc mình biến thành một con thiên nga bay thẳng lên không trung. Tôn Ngộ Không cũng ngay lập tức lắc mình biến thành một con hải đông thanh (ưng thần), đuổi theo thiên nga. Con thiên nga thấy không có chỗ nào chạy trốn bèn quay đầu biến thành một con ưng vàng đến mổ hải đông thanh. Hải đông thanh đón gió sát cánh biến thành một con chim phượng. Cảnh tượng biến hóa thần thông này khiến người ta nghĩ ngay đến cảnh tượng Tôn Ngộ Không đấu phép với Nhị Lang Thần khi đại náo thiên cung, chỉ là bây giờ Tôn Ngộ Không đã nghiễm nhiên trở thành Nhị Lang Thần thứ hai, còn Ngưu Ma Vương rõ ràng là Tôn Ngộ Không năm đó.

Ưng vàng trở mình rơi xuống đất, biến thành một báo kim tiền, nhanh như chớp chạy trốn. Chim phượng trên không trung bám lấy như hình với bóng, đột ngột xà xuống biến thành một con voi lớn chặn đường báo kim tiền. Dù cho báo kim tiền có dũng mãnh đến đâu cũng không thể nào chống đỡ nổi chiếc vòi dài giống như chiếc trường bỗng kia của con voi. 

Ngưu Ma Vương cười ha hả, hiện nguyên hình: Một con trâu trắng, chỉ thấy đầu của nó giống như ngọn núi, mắt như ánh chớp, hai sừng giống như hai mũi dao nhọn, thân cao bảy trăm trượng, quát Tôn Ngộ Không: 

- Con khi thối tha! Để xem người có thể chạy đi đâu? 

Tôn Ngộ Không cũng hiện nguyên hình, hét một tiếng: “cao!” và biến thành thân cao vạn trượng, mắt giống như mắt người khổng lồ, tay cầm một chiếc gậy sắt, xông vào ẩu đả. Ngưu Ma Vương bất chấp tất cả, giương hai sừng húc tới. Tiếng đập xuống của chiếc gậy sắt, tiếng rống của lão ngưu, mỗi âm thanh đều có thể làm kinh thiên động địa, thần linh bốn phương đều lũ lượt kéo đến vây quanh. 

Trong lúc hoảng loạn, trâu trắng bèn bỏ cuộc quay đầu chạy trốn. Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh và Tam Thái Tử Na Tra thống lĩnh thiên binh, thiên tướng chặn đường của nó. Trâu trắng trừng mắt lớn như hai chiếc chuông, giương hai sừng giống như hai mũi dao nhọn liều mạng xông tới, hi vọng có thể mở được một đường máu. Tam Thái Tử Na Tra nhanh như chớp nhảy lên lưng trâu trắng, vung kiếm trảm yêu nhằm đầu trâu trắng chém xuống, trong thân thể Ngưu Ma Vương lại mọc ra một chiếc đầu, miệng nhả khí đen, mắt phóng kim quang. Na Tra kinh ngạc, lại chém một nhát nữa, chỗ đầu trâu rơi xuống, lại mọc ra một chiếc đầu mới. Chém liền mười mấy nhát, mười mấy chiếc đầu cũng liên tiếp mọc ra. Một trái tim ngông cuồng giống như con trâu trắng này, chém một đầu lại mọc ra một đầu, khó có thể chế phục được nó. 

Không có Hỏa Diệm Sơn nào là không thể vượt qua được 

Tam Thái Tử Na Tra tuy người nhỏ nhưng quyết tâm rất lớn, cậu móc vòng hỏa luân lên sừng của lão ngưu, thổi chân hỏa Tam muội, thiêu Ngưu Ma Vương đến nhe răng trợn mắt gầm rống điên cuồng. Ngưu Ma Vương đang định biến hóa thoát thân thì lại bị Thác Tháp Thiên Vương dùng kính chiếu yêu soi chiếu bản tướng, không thể cựa quậy được nữa. Tôn Ngộ Không lập tức xông tới dùng một sợi dây thừng xây qua lỗ mũi của lão ngưu. 

Tâm ma đã bị chế phục, tình cảm cũng tự nhiên được điều phục. Tôn Ngộ Không dắt trâu trắng đến động Ba Tiêu đổi lấy Quạt Ba Tiêu. Công chúa Thiết Phiến đem Quạt Ba Tiêu dài hai trượng (bằng chiều cao một vị Kim cương La Hán) nâng cao quá đỉnh đầu dâng cho Tôn Ngộ Không, chỉ cầu xin đừng làm hại đến tính mạng hai vợ chồng họ. Tôn Ngộ Không nói: 

Cái ta cần là quạt, không phải tính mạng của các ngươi. 

Nói xong, Tôn Ngộ Không vác quạt lên, vô cùng phấn chấn đến trước Hỏa Diệm Sơn, quả nhiên quạt lần thứ nhất lửa tắt, quạt lần hai gió nổi lên, quạt lần ba mưa trút xuống. Chỉ thấy gió mát ùa đến, nước mưa cuồn cuộn, toàn bộ Hỏa Diệm Sơn đều chìm trong biển nước. Thầy trò Đường Tăng cuối cùng đã chinh phục được tòa núi lớn nổi tiếng nhất trên đường thỉnh Kinh, tiếp tục hướng Tây thẳng tiến. Mỗi khi nhớ lại việc này, họ thường tự hào hoan hỉ nói: 

Gầm trời này không có Hỏa Diệm Sơn nào không thể vượt qua được! 

Ngưu Ma Vương thì bị Thác Tháp Thiên Vương và Tam Thái Tử Na Tra dắt về thiên đình chờ Ngọc Hoàng Đại Đế xử lý. Còn công chúa Thiết Phiến vẫn tu hành tại hang Ba Tiêu núi Thúy vân, tương truyền sau này cũng tu thành chính quả, thành nữ anh hùng trong Kinh tạng Phật Giáo.

( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét