Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

239. Bắt thay chiếu

Tăng Tử bệnh nặng. Những người chầu chực hầu hạ, học trò thì có Nhạc Chính, Tử Xuân, ngồi ở cạnh giường, con thì có Tăng Nguyên, Tăng Nhân ngồi ở dưới chân, lại có một tên đồng tử đứng một góc cầm nến.

Tên đồng tử hỏi: Cái chiếu đẹp đẽ và bóng bẩy này là thứ chiếu quan đại phu dùng chăng?

Tử Xuân bảo: Im chớ nói.

Tăng Tử nghe tiếng giật mình, thở dài.

Đứa đồng tử lại hỏi: Cái chiếu đẹp đẽ và bóng bẩy này là thứ chiếu quan đại phu dùng chăng?

Tăng Tử đáp: Phải. Cái chiếu ta nằm là chiếu của Quý Tôn làm quan đại phu nước Lỗ cho ta. Ta chưa kịp thay đấy.

Rồi gọi con sẽ bảo: Nguyên kia, đứng dậy thay chiếu cho ta.

Tăng Nguyên nói: Bệnh cha nguy, không dám khinh động, xin để đến sáng sẽ thay.

Tăng Tử nói: Con yêu cha không bằng tên đồng tử. Người quân tử yêu ai, yêu một cách phải đường, người thường yêu ai, yêu một cách nộm tạm cẩu thả. Như ta bây giờ còn mong gì nữa. Nếu ta được chết một cách chính đính, khỏi mang tiếng phi nghĩa, là đủ cho ta rồi.

Con cái và học trò nghe nói, xúm lại vực Tăng Tử lên để thay chiếu.

Tăng Tử vừa nằm yên vào chiếc chiếu mới thì mất. 

Lễ Ký

GIẢI NGHĨA

Lễ ký:hay còn gọi là Kinh Lễ là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước. Ngũ Kinh gồm có: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.
Tăng Tử: tức là Tăng Sâm, người thành thực và rất có hiếu, học trò giỏi của Đức Khổng Tử truyền được đạo đức Khổng Tử có thuật sách Hiếu Kinh và sách Đại Học.
Lỗ: một nước chư hầu nhỏ, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.

LỜI BÀN

Người ta đến chết là hết. Cho nên trước cái chết, tưởng ai cũng bằng đẳng như ai không còn phân biệt tôn, ti, thượng hạ gì nữa. Tuy vậy, thầy Tăng Tử dù biết chết đến nơi, cũng còn thao thủ, không muốn việt phận, không chịu đeo tiếng phi nghĩa, thế mới hay cổ nhân lập chí, thường vạch một con đường quang minh chính đại để suốt đời noi theo dù đến hơi thở cuối cùng, mà vô ý lỡ đi sai, cũng nhất quyết không chịu. Cách thay chiếu đây lại còn đáng làm gương cho lắm kẻ đời nay, quên cả phong hóa, bỏ cả lễ nghĩa, lúc ma chay tiếm lạm nhiều cách, chỉ chuộng cái thói đời phù hoa đua đã, chớ không còn biết cái tài đức, cái danh phận của người chết đáng vào bậc nào nữa. Những con cháu tống táng ông cha theo sự phù hoa mà phạm vào điều phi nghĩa, thì có gọi được là con cháu có hiếu không?
" Quân tử chi ái nhân dã dĩ đức, tế nhân chi ái nhân dã dĩ cô tức", câu di ngôn của thầy Tăng Tử thực là câu danh ngôn có chi lý vậy.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét