Ads 468x60px

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Quan niệm sai lầm thứ ba: “Stress là cần thiết để đạt được thành công”


Chắc chắn là không!

Thật ra có một niềm tin sai lầm khi cho rằng stress, hoặc việc gây ra áp lực cho mọi người là cần thiết để làm cho công việc nào đó được hoàn thành. Tại sao? Bởi vì khi đó, nỗi lo sợ đã được sử dụng như một động lực thúc đẩy và sẽ nhanh chóng rút cạn đi năng lượng của bạn, có khi còn kéo theo việc gây bệnh cho cơ thể. Suy nghĩ chất chứa stress là suy nghĩ sợ hãi và giận dữ, và nếu nó cứ được “nuôi dưỡng”, thì bệnh tật cho cơ thể, nhân viên nghỉ việc không có lý do, năng suất công việc thấp cũng như sự đổ vỡ trong các mối quan hệ là điều không thể nào tránh khỏi. Hơn nữa, ai cũng biết những tác động tai hại đến thần kinh của stress. Những suy nghĩ căng thẳng, bồn chồn gây ra cơn căng cơ và đau đầu, những suy nghĩ lo lắng làm rối loạn khả năng tiêu hóa và cuối cùng, có thể gây ra chứng viêm loét, ung bướu độc; còn những suy nghĩ sợ hãi thì làm cho tim đập nhanh và kết quả là suy tim; rồi còn cả việc sản sinh ra quá nhiều adrenaline khi tức giận được xem như là một trong những yếu tố góp phần vào bệnh ung thư.

Stress và sợ hãi, rồi sau đó là adrenaline, có thể làm cho việc gì đó hoàn thành xong một cách nhanh chóng, nhưng nó chỉ đem đến hiệu quả trong thời gian ngắn, còn trong một tổng thể dài hạn, điều đó sẽ dẫn đến hội chứng “cháy sạch”. Đây là lý do tại sao chảng có loại stress nào có thể gọi là stress tích cực cả. Những ai tin rằng stress là tự nhiên, những ai biện hộ rằng stress là cần thiết để đạt được thành công thì họ cũng đang biểu hiện lối suy nghĩ lười nhác, hoặc tránh né việc tự thay đổi bản thân. Và có lẽ đó là những người đã “nghiện” chất adrenaline. Còn đối với những ai tin rằng việc phản ứng tiêu cực, gàn dở với mọi người trước những tình huống trái ý là một phản ứng tự nhiên, có sẵn bên trong như là một bản năng được truyền lại từ xa xưa thì đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại!

Chẳng có điều gì là có sẵn trong thái độ của con người trước cuộc sống. Mọi thứ đều phải được học hỏi và đúc kết qua trải nghiệm. Vâng, khi bạn bị khiêu khích, bạn có thể đánh lại hoặc bỏ chạy, nhưng cũng có nhiều lựa chọn khác. Bạn có thể đứng yên, bạn có thể chỉ mỉm cười, có thể lặng lẽ quay đi, có thể hát, hay là nhảy múa! Một lý do giải thích cho việc đôi khi chúng ta không thể tìm ra được những lựa chọn khác khi phải đối mặt với các tình huống thử thách là bởi vì sự sợ hãi đã trở thành một thói quenăn quá sâu vào chúng ta, điều khiển phản ứng của chúng ta. Chính nỗi sợ hãi đã hạn chế khả năng tạo ra sự lựa chọn; làm “tê liệt” khả năng đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mỗi lựa chọn, khiến chúng ta không thể tìm ra một giải pháp đúng đắn nhất.

Sự thật là nỗi sợ hãi đã làm tê liệt khả năng tạo nên những phản ứng tích cực và hiệu quả. Sợ sệt là thói quen do con người học được, và ngay khi có sự hiện diện của nó, chúng ta trở nên sợ hãi ngay cả đối với những đe dọa chẳng đáng gì. Trái ngược với niềm tin, nỗi lo sợ không giúp ích được gì cho hạnh phúc và sự lành mạnh của chúng ta. Thậm chí bạn không cần sợ hãi để có được một phản ứng khôn ngoan khi chạm trán với một con hổ. Bạn cần có sự nguội lạnh, điềm tĩnh, sự tập trung chú ý như các vận động viên thể dục và tính sáng tạo như các nghệ sĩ để phản ứng một cách có hiệu quả. Không phải con hổ đó đe dọa bạn, mà ngay từ trong tâm trí, những gì bạn cho rằng con hổ sẽ làm với mình mới sinh ra nỗi sợ hãi. Những con hổ đó là ai hoặc là cái gì trong cuộc sống của bạn? Bạn đang làm gì với chúng trong tâm trí mình?

Vì vậy, hãy xua tan ý nghĩ cho rằng stress là cần thiết. Hãy hiểu rằng stress giết chết, làm suy yếu, làm kiệt quệ, làm giảm sức mạnh tinh thần của mỗi chúng ta. Gạt bỏ đi thói quen sợ hãi và tận dụng những tình huống từ thực tế cuộc sống để thực hành việc lựa chọn. Hãy nhớ lại tình huống nào đó trong quá khứ đã khiến bạn sợ hãi và tự đưa ra nhiều cách phản ứng tích cực khác, sau đó, bạn hãy để cho tình huống ấy diễn lại một lần nữa trong đầu bạn, nhưng lần này, bạn đưa vào đó cách phản ứng tích cực mà bạn vừa nghĩ ra – như cảnh đối mặt với một thời hạn cuối cùng, với ông chủ, với các nhiệm vụ, với người khó tính nào đó trong cuộc sống của bạn, sự ngăn cản kịch liệt – tất cả những điều đã gây ra nỗi đau đớn cho bạn ngày hôm qua. Còn hôm nay, chúng là thầy của bạn. Đó là cơ hội để khẳng định sự điềm tĩnh và sáng tạo của bạn. Chúng đến để kiểm tra khả năng lựa chọn cách phản ứng đúng đắn và sức mạnh để thực hành cách phản ứng đó của bạn. Nếu bạn không bắt đầu sáng tạo hơn và lựa chọn những phản ứng cho mình, bạn sẽ phải chịu đựng chứng bệnh thông thường nhất được biết đến hiện nay – chứng “xem mình là nạn nhân”! Nhưng bạn không bao giờ đóng vai diễn là nạn nhân … phải không?

( Source : 7 Aha ! Khơi sáng tinh thần và giải tỏa stress - Mike George )  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét