Ads 468x60px

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Vẫn còn có sự rò rỉ !


Có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao quá trình chuyển hoá nội tâm lại diễn ra quá chậm như thế? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao ngày nay dù có rất nhiều quyển sách, nhiều buổi thuyết trình và cả những tư vấn viên dày dặn kinh nghiệm cho sự khai sáng này, nhưng vẫn có rất ít người thật sự trải nghiệm được sự thay đổi sâu sắc trong tâm hồn? Thật ra vấn đề không nằm ở mức độ trải nghiệm trong cuộc sống của bạn là nhiều hay ít, không phụ thuộc vào việc bạn trau dồi được bao nhiêu kỹ năng, đã đọc bao nhiêu quyển sách, tham dự bao nhiêu buổi thuyết trình, chi trả bao nhiêu tiền cho việc chữa trị những chứng bệnh thuộc về tinh thần. Sự khác biệt chỉ xảy ra khi bạn dám làm những gì mà người khác không muốn làm. Và đó chính là lúc bạn đang “khoá chiếc van đang bị rò rỉ” của mình lại.

Thế thì những sự rò rỉ này là gì đây? Sự rò rỉ ở đây chính là cảm giác sợ hãi, giận dữ, và buồn phiền, bởi vì những cảm xúc như thế sẽ khiến chúng ta mất đi năng lượng, làm giảm đi sức mạnh của ta. Chỉ khi hiểu và không còn cảm thấy sợ hãi, giận dữ hay buồn phiền thì khi đó, quá trình thay đổi thực sự từ bên trong mới bắt đầu diễn ra.

Sự thông tuệ, chân thực và hiểu biết là tất cả những hình thái của sức mạnh. Khi chúng ta đọc, nghe, nhìn thấy, nghĩ đến, và nhớ ra điều gì là thật sự và đúng đắn, khi chúng ta học hỏi thêm những kỹ năng mới thuộc về nội tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình – đó là lúc chúng ta đang làm tăng sức mạnh cho chính bản thân mình. Khi khoảnh khắc Aha! diễn ra, bạn cảm nhận rất rõ sự dâng trào của sức mạnh nội tâm. Sau đó, cảm giác thường thấy nhất khi đọc đến phần kết thúc của một quyển sách hoặc ở cuối một buổi thuyết trình hay một cuộc tư vấn là cảm giác được vực dậy, được nâng lên. Nhưng trừ phi bạn đã khoá “những chiếc van đang bị rò rỉ” này lại, bằng không thì ngày này qua ngày khác, sức mạnh sẽ cứ theo đó mà “chảy” mất đi.

Một số người cứ muốn tiếp tục để cho sức mạnh của mình bị rò rỉ như thế, trong khi một số khác muốn khám phá và tìm hiểu về sự tồn tại của nó, đơn giản là bởi vì tất cả chúng ta đều tin rằng những lo lắng đó sẽ không gây ảnh hưởng gì, thậm chí còn tốt, hữu ích và có giá trị nữa là đằng khác. Nhưng thật ra không phải như thế. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng được phép tồn tại trong thế giới nội tâm của mình. Sợ hãi, giận dữ và ưu phiền là những cảm xúc “cha mẹ”, từ đó sản sinh hàn trăm thứ “con cháu” khác như cáu gắt, căng thẳng, kích động, căm ghét, lo lăng, bất an, thất vọng, sầu muộn… Những cảm xúc ấy chẳng giúp làm sâu sắc thêm cho tình yêu thương, sự mãn nguyện, lòng trắc ẩn, bình an hay hạnh phúc mà ngược lại, sẽ tàn phá những cảm xúc tích cực ấy.

Chúng ta nhận ra rằng sự giận dữ, sợ hãi và buồn bã không chỉ đang tàn phá và lấy đi sức mạnh của bản thân, mà còn làm tiêu hao năng lượng tinh thần của chúng ta nữa. Chúng ta được dạy để tin rằng giận dữ là mạnh mẽ, trong khi đó thật ra đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Hãy nhìn lại bản thân ngay sau khi cơn giận dữ bộc phát, có phải là khi đó bạn như được tiếp thêm sức mạnh hay chỉ là ngược lại? Chúng ta cũng được dạy rằng cảm giác sợ hãi sẽ giúp công việc được hoàn tất trước thời gian quy định; nhưng thật ra điều đó lại làm “tê liệt” chúng ta. Hãy nhìn lại bản thân ngay sau khi thời hạn cuối cùng qua đi, bạn có đang cảm thấy mạnh mẽ hơn hay chỉ là ngược lại? Chúng ta cũng đã từng tin rằng những tình tiết buồn là một phần không thể thiếu trong một câu chuyện hay và hấp dẫn, và thế là chúng ta mong đợi và đắm mình trong những cảm xúc ấy khi xem một bộ phim, hay nghe một bản nhạc. Thế còn sau đó, bạn cảm thấy như thế nào, mạnh mẽ, phấn chấn hơn hay chỉ là buồn bã và u uất? Làm thế nào nỗi buồn lại có thể nâng đỡ được một tâm hồn khi mà bản thân nó chính là kẻ làm người khác đau khổ? Làm sao sự tức giận có thể làm cho mối quan hệ giữa những con người với nhau trở nên tốt hơn trong khi bản thân nó lại là nguyên nhân gây nên những sự ngăn cách và cả sự ghét bỏ? Làm sao sự sợ hãi được xem là lành mạnh khi mà nó làm cho tim ta đập nhanh hơn, sản sinh ra nhiều adrenaline hơn và huỷ hoại sức khoẻ của ta nhanh hơn?

Thế nhưng niềm tin đó quá mạnh, những trải nghiệm cảm xúc mạnh đến nỗi chúng ta sẵn sàng chống lại bất kỳ điều gì để có được chúng. Chúng ta sẵn sàng khiêu chiến với bất kỳ ai dám nói rằng những cảm xúc này không chỉ rút cạn sức mạnh mà còn giết chết ta nếu như ta cứ tiếp tục để cho chúng tồn tại trong ý thức của mình.

Thật ra mọi chuyện cũng rất đơn giản. Sẽ rất tốt nếu như một trải nghiệm nào đó làm cho tinh thần của bạn phấn chấn hơn. Sẽ tuyệt vời nếu như việc thực hành theo như những điều đã nói trong buổi thuyết trình giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn. Và sẽ rất tuyệt vời nếu như bạn trải nghiệm được một hoặc hai khoảnh khắc Aha!. Khi đó, thời gian của bạn đã được sử dụng một cách hữu ích. Thế nhưng bạn cũng đừng quên khoá “chiếc van đang bị rò rĩ” của mình lại (tức là giữ cho tâm trí không còn những cảm xúc giận dữ, sợ hãi hay buồn bã), còn nếu không, sức mạnh mà bạn vừa mới nạp vào sẽ lại tuôn chảy ra - một lần nữa bị tuôn chảy như thế! Đừng bận tâm đến những cảm xúc sợ hãi, hãy xua đi cơn giận dữ, và bỏ qua tất cả những điều phiền muộn! Khi đó, bạn mới có thể tiếp tục tiến về phía trước trên con đường dẫn đến sự khai sáng, sẵn sàng đón nhận trở lại sự thông tuệ bẩm sinh và sức mạnh vốn có của mình.

( Source : 7 Aha ! Khơi sáng tinh thần và giải tỏa stress - Mike George ) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét