Ads 468x60px

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Diễn giải cụ thể về cách sử dụng ngôn từ


Hãy thử nhìn lại quãng thời gian đã qua, có khi nào và trong hoàn cảnh nào bạn từng dùng đến những câu như “tôi không thể”, “tôi không làm được”, “tôi chưa từng làm…” hay “không được đâu”? Phần đông chúng ta thường phát ngôn những câu đại loại như:


Tôi không thể làm được. Tôi không giỏi về điều đó, đó không phải là chuyên môn của tôi. Tôi không thể xoay xở được… Không được đâu, tôi chưa từng… Việc sử dụng những ngôn từ tương tự như vậy trong một thời gian dài đồng nghĩa với việc bạn đã tự áp đặt hình ảnh của sự thất bại và sự khuất phục trong tâm trí mình. Mọi sự đều do thái độ của bạn mà ra. Và nếu bạn luôn nhìn cuộc sống qua một lăng kính bám đầy bụi bẩn, bạn sẽ chỉ dùng những ngôn từ tiêu cực và kết quả sẽ chỉ là tồi tệ, không thể khác. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát ngôn từ của mình – nghĩa là bạn hoàn toàn có khả năng tạo dựng một niềm tin tích cực để đạt được những kết quả mong muốn. Trước hết là phải nhận thức. Hãy nhìn lại những ngôn từ bạn đã sử dụng trong bốn lĩnh vực chính trong cuộc đời bạn – các mối quan hệ, tài chính, công việc và sức khỏe.

1-Sử dụng ngôn từ trong các mối quan hệ

Với mọi người xung quanh, bạn có thường nhận xét bằng những câu đại loại như “dường như không có ai là tốt cả” hay “mọi người luôn giành cơ hội của tôi”. Nếu những ngôn từ này thường xuyên xuất hiện trong lời nói của bạn, điều đó có nghĩa là bạn đã tự chọn cho mình những mối quan hệ không tốt đẹp. Tâm trí của bạn lắng nghe tất cả và sẽ tự hoạch địch để chúng trở thành hiện thực cho dù bạn không muốn có những mối quann hệ xấu với những người mà bạn giao tiếp. Để tránh việc đó, hãy ngừng ngay những ý nghĩ tiêu cực ấy trong đầu.

2-Sử dụng ngôn từ khi nói về vấn đề tài chính

Bạn thường dùng những từ ngữ nào để nói về tình hình tài chính của mình trong hiện tại cũng như trong tương lai? Những câu nói kiểu như “tôi luôn phải mắc nợ”, “tình hình tài chính khá nguy kịch” hay “tôi chẳng muốn mua bán gì cả”… sẽ luôn cản trở con đường thăng tiến của bạn. Tốt hơn nên chọn những ngôn từ tích cực xác nhận sự phát triển tương đối của bạn. Đương nhiên là bạn sẽ không thể giàu có một cách bột phát khi chuyển sang suy nghĩ, nói năng một cách tích cực, nhưng điều kiện vật chất chỉ có thể đổi thay khi bạn đã có một niềm tin. Làm ngôn từ trở nên trong sáng hơn chỉ là bước quan trọng đầu tiên cần phải có. Những người giàu có không bắt đầu sự nghiệp của họ bằng cách than vãn về sự khốn cùng. Những ai luôn ca cẩm về những thiệt thòi vật chất thường ít có cơ hội tiến lên để nhận được những kết quả mong đợi.

3-Sử dụng ngôn từ khi nói về công việc

Nếu như ai đó hỏi về sự nghiệp của bạn ở hiện tại hay mười năm tới, bạn sẽ trả lời ra sao? Trả lời là chính bạn cũng chưa rõ hay sẽ tưởng tượng đến một chức vụ cao hơn với trách nhiệm nặng nề hơn, thách thức lớn hơn cùng một mức thu nhập cao hơn? Nếu bạn trả lời là không rõ, bạn sẽ chẳng mấy thay đổi và thăng tiến được bao nhiêu. Câu trả lời này phản ánh tầm nhìn hạn hẹp của bạn. Ngược lại, với một mục tiêu rõ ràng, bạn luôn đặt mình trong một vị thế sẵn sàng để vươn lên.

4-Tác động của ngôn từ đối với sức khỏe

Rõ ràng ngôn từ có tác động sâu sắc đến sức khỏe của chúng ta. Ví dụ, một nhóm bạn cùng nhau tham dự một bữa tiệc thật vui. Vài giờ sau khi bữa tiệc tàn và mọi người ai đã về nhà nấy, bỗng một người trong nhóm hốt hoảng gọi điện cho bạn và báo rằng tất cả những người tham dự bữa tiệc vừa rồi đều phải vào bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc! Giả sử là bạn vẫn đang cảm thấy hoàn toàn khỏe khoắn vào lúc nhận được cú điện thoại, liệu cảm giác của bạn sẽ ra sao khi nghe được những thông tin đó?

Gần như mọi người khi nghe như vậy đều sẽ cảm thấy mệt mỏi, hướng suy nghĩ cảm giác vào vùng bụng và cảm thấy khó chịu, có cái gì đó dường như không ổn. Tại sao vậy? Bởi vì thông tin đã tạo thành một niềm tin nơi bạn, rồi cơ thể của bạn đáp ứng lại theo niềm tin này. Cho dù đó chỉ là một trò đùa tai quái thì cơ thể của bạn vẫn sẽ phản ứng như vậy. Cơ thể của bạn chỉ đơn giản đáp ứng lại những gì nó nghe được từ chính bạn và từ người khác nói.

Một khi bạn tự cho rằng mình yếu đuối hay đau đớn gì đó mãi, bạn sẽ bị đúng những bệnh hoạn đó. Xin đừng hiểu lầm, tôi không hề nói rằng bạn nên chối bỏ cảm giác đau đớn hay bệnh tật – hay rằng bạn có thể qua khỏi bất cứ căn bệnh quái ác nào chỉ với những lời nói tích cực – nhưng chắc chắn là bạn không hề nhận được chút ích lợi nào khi dùng những ngôn từ tiêu cực để tiếp sức cho nỗi đau hay bệnh tình của mình.

Một câu chuyện thú vị có thể minh chứng rõ ràng cho vấn đề này: Hai bệnh nhân sau khi đến khám bệnh đã đề nghị bác sĩ nói thật tình trạng bệnh tình của mình. Vị bác sĩ nọ đã gửi cho mỗi người một mảnh giấy. Một tờ ghi: “Bệnh tình của anh không có gì là nặng lắm, chỉ là tâm bệnh. Hãy đi du lịch thoải mái và không lo lắng gì cả”. Và tờ kia là: “Thật sự bệnh tình của anh đã không còn cách nào chữa được nữa. Hãy về nhà sống những ngày cuối cùng”. Có điều vị bác sĩ nọ đã đưa nhầm tờ giấy cho hai bệnh nhân. Người bệnh nặng không thể cứu chữa nhận được tờ giấy đầu tiên, còn người bệnh nhẹ thì nhận được tờ giấy thứ hai. Và kết quả thật khác biệt: Người bị bệnh nặng sắp chết thật vui khi nhận được tờ giấy, thu xếp cùng người thân đi du lịch khắp nơi và sau một thời gian tinh thần phấn chấn, mới mẻ, bệnh tình thuyên giảm rồi khỏi hẳn. Còn người bị bệnh nhẹ thật đau buồn khi nghĩ mình sắp chết, không muốn làm gì hay đi đâu cả, cuối cùng sinh bệnh nặng và đã chết sau một thời gian.

( Source : Thay thái độ - Đổi cuộc đời - Jeff Keller ) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét