Ads 468x60px

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Bạn có khuynh hướng chỉ thấy những gì mình muốn thấy


Nhìn thấy khả năng, tiềm lực và quan điểm của người khác



Chúng ta có thể biết rõ năng lực của bản thân, nhưng chúng ta có thể hoàn toàn mù mờ về người khác. Tất cả mọi người, dù vĩ đại hay không, đều có xuất phát điểm như nhau. Không ai sinh ra đã là thiên tài. Trong thực tế, một số nhân vật xuất chúng thỉnh thoảng vẫn bị xem là ngớ ngẩn.

Chỉ đến khi tiếp nhận thái độ tích cực, học cách hiểu rõ mọi năng lực và xác định mục tiêu rõ ràng cho tương lai, con người mới bắt đầu chinh phục đỉnh cao của thành công.

Có một cậu bé luôn bị thầy cô giáo xem là một kẻ đần độn, “óc bã đậu”. Cậu thường ngồi im lặng và vẽ cái gì đó trên tấm bảng của mình. Cậu thích quan sát và lắng nghe mọi người xung quanh. Cậu đặt những câu hỏi không thể trả lời, nhưng lại không chịu nói ra những gì mình biết. Lũ trẻ gọi cậu là “kẻ tối dạ” và cậu thường bị phạt đứng ở góc lớp.

Cậu bé đó chính là Thomas Alva Edison, nhà phát minh vĩ đại của thế giới sau này. Bạn hẳn sẽ cảm thấy hứng thú khi đọc toàn bộ câu chuyện cuộc đời của Thomas A. Edison. Thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp đều cho rằng ông là một kẻ ngu ngốc. Tuy nhiên, một sự cố đã khiến ông lật lá bùa từ NMA sang PMA và ông đã trở thành một nhân vật lỗi lạc, một nhà phát minh vĩ đại của nhân loại.

Vậy sự cố kia là gì? Điều gì đã xảy ra với Edison khiến ông thay đổi thái độ sống? Chuyện là có lần ông kể cho mẹ nghe rằng thầy giáo đã nói với viên thanh tra là ông rất tối dạ và chẳng có lý do gì để giữ ông lại trường. Người mẹ đáp lại rằng dù có như vậy thì bà vẫn tin con trai bà là người thông minh và có thể thành đạt sau này.

Kể từ hôm đó, ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông nói: “Tôi chịu ảnh hưởng từ mẹ tôi rất nhiều. Những ảnh hưởng tốt đẹp từ sự dạy dỗ ban đầu mà tôi không bao giờ đánh mất. 

Mẹ tôi luôn ân cần, biết thông cảm và chưa bao giờ đánh giá sai về tôi”. Niềm tin của mẹ dành cho ông đã khiến ông nhìn lại bản thân bằng một đôi mắt hoàn toàn khác. Chính điều đó khiến ông lật lá bùa mặt tiêu cực sang mặt tích cực và chọn một thái độ tích cực để học tập và nghiên cứu. Thái độ này đã dạy cho Edison cách nhìn nhận mọi việc một cách bao quát và sâu sắc hơn, cho phép ông tìm ra những phát minh mang lại ích lợi to lớn cho nhân loại. Có lẽ người thầy đã không nhìn thấy điều đó vì không thật sự quan tâm đến việc giúp đỡ cho cậu học trò nhỏ của mình. Nhưng mẹ của Edison thì không.

Bạn có khuynh hướng chỉ thấy những gì mình muốn thấy.

Khi bạn nghe, không hẳn là bạn đã chú ý, nhưng khi bạn lắng nghe thì bạn đang tập trung toàn bộ tâm trí. Qua cuốn sách này, chúng tôi muốn bạn hãy biết lắng nghe thông điệp này: hãy nhìn xem bạn liên hệ và vận dụng nguyên tắc thành công vào cuộc sống của mình như thế nào.

Chúng ta hãy xem trường hợp sau đây.

Tiến sĩ Roy Plunkett, một nhà hóa học của công ty DuPont, tiến hành một thí nghiệm đặc biệt, và ông đã thất bại. Khi mở ống nghiệm, ông thấy ống nghiệm dường như chẳng còn gì cả. Ông cảm thấy khó hiểu và tự hỏi: “Tại sao?”. 

Ông không bỏ ống nghiệm đi như nhiều nhà khoa học khác vẫn làm trong hoàn cảnh tương tự. Thay vào đó, ông đặt chiếc ống nghiệm đó lên cân. Và lạ lùng thay, trọng lượng của ống nghiệm sau thí nghiệm cao hơn hẳn so với những ống nghiệm chưa được dùng đến. Và một lần nữa, Tiến sĩ Plunkett lại tự hỏi mình: “Tại sao?”.

Trong quá trình đi tìm câu trả lời, ông đã khám phá ra một loại nhựa trong suốt, tetrafluoroethylene, thường được biết đến với tên gọi là nhựa Teflon mà sau này được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và cả trong cuộc sống.

Vậy nếu có điều gì đó mà bạn không hiểu thì hãy tự đặt câu hỏi tại sao. Hãy quan sát, phân tích và rất có thể bạn sẽ đạt được một thành tựu lớn lao đấy.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét