Ads 468x60px

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

George W. Campbell bị mù từ khi mới chào đời



“Đục thủy tinh thể bẩm sinh cả hai mắt.” - Bác sĩ gọi tên căn bệnh như thế.


Cha của George nhìn bác sĩ như không muốn tin vào điều đó. “Chẳng lẽ bác sĩ không thể làm gì sao? Liệu phẫu thuật có chữa khỏi được không?”.

“Không,” - bác sĩ đáp. - “Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách để điều trị căn bệnh này”.

George Campbell không nhìn thấy, nhưng tình yêu và niềm tin của bố mẹ đã làm cho cuộc sống của cậu luôn giàu có về mặt tinh thần. Hồi còn bé, George thậm chí còn không biết là mình bị khuyết tật.

Năm cậu lên 6 tuổi bỗng xảy ra một sự kiện đáng nhớ. Chiều hôm đó, cậu đang chơi đùa vui vẻ cùng các bạn. Do quên khuấy việc George bị mù nên Bill đã ném quả bóng về phía cậu. Mấy cậu bạn khác hét to: “George, coi chừng! Nó sắp trúng vào người cậu rồi đấy!”.

Và quả bóng đã trúng vào người George thật. Kể từ lúc đó, cuộc sống của cậu không còn bình thường như trước đó nữa. Quả bóng không làm George đau, nhưng cậu cảm thấy rất khó hiểu. Cậu đến hỏi mẹ: “Làm sao Bill biết chuyện gì sắp xảy ra với con trước cả khi con biết?”.

Mẹ cậu nén tiếng thở dài. Vậy là khoảnh khắc mà bà sợ nhất cũng đã đến. Giờ thì bà phải nói với con trai mình một sự thật.

“Ngồi xuống nào, George.” - Bà nói khẽ và cầm lấy tay con trai. - “Có thể mẹ không diễn tả hết cho con được, và con cũng có thể không hiểu hết, nhưng hãy để mẹ giải thích.” -

Nói rồi, bà nhẹ nhàng cầm lấy đôi bàn tay nhỏ bé của con và bắt đầu đếm các ngón tay.

“Một – hai – ba – bốn – năm. Những ngón tay này cũng tương tự như những gì được mọi người gọi là năm giác quan.” - Bà dùng ngón cái và ngón trỏ của mình để cầm lấy từng ngón tay của con trai rồi tiếp tục giải thích.

“Ngón này là để nghe; ngón này là để sờ; ngón này là để ngửi; ngón này để nếm.” - Bà ngập ngừng giây lát trước khi tiếp tục: “Ngón út là để nhìn. Mỗi giác quan, cũng giống như mỗi ngón tay, sẽ gửi thông điệp đến cho bộ não”.
Tiếp đó, bà gập ngón tay út được đặt tên là “nhìn” lại để nó nằm lọt trong lòng bàn tay của George. 

“George, con có đôi chút khác biệt so với những cậu bé khác,” - bà giải thích, - “bởi vì con chỉ sử dụng bốn giác quan, cũng giống như bốn ngón tay vậy: một, nghe – hai, sờ – ba, ngửi – và bốn, nếm. Nhưng con không sử dụng giác quan nhìn. Giờ mẹ muốn cho con xem điều này. Hãy đứng lên nào!”

George đứng lên. Mẹ cậu nhặt lấy một quả bóng. “Nào, con hãy đưa tay ra bắt bóng nhé!” - Bà nói.

George chìa tay ra, và chỉ trong giây lát, cậu đã cảm nhận được quả bóng rơi chạm vào những ngón tay. Cậu chộp lấy thật nhanh và giữ nó thật chặt.

“Tốt lắm, con yêu!” - Mẹ cậu nói. - “Mẹ muốn con không bao giờ quên những gì mình vừa mới làm. Con có thể bắt một quả bóng bằng bốn ngón tay thay vì năm, George ạ.

Con cũng có thể có một cuộc sống hạnh phúc với bốn giác quan thay vì năm. Chỉ cần con biết chấp nhận và kiên trì nỗ lực.”

Lúc ấy mẹ cậu đang sử dụng phép ẩn dụ, và hình thái tu từ đơn giản này là một trong những biện pháp giao tiếp hiệu quả nhất giữa con người với nhau.

George không bao giờ quên được biểu tượng “bốn ngón tay thay vì năm”. Đối với cậu, đó chính là biểu tượng của hy vọng. Mỗi khi mặc cảm vì khuyết tật của mình, cậu lại nghĩ đến biểu tượng đó. Biểu tượng này đã trở thành động lực đối với George và cậu thường xuyên lặp lại câu “bốn ngón tay thay vì năm”.

Càng ngày cậu càng thấy mẹ mình nói đúng. Cậu vẫn có một cuộc sống hạnh phúc đầy đủ, trọn vẹn với chỉ bốn giác quan.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét