Ads 468x60px

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Học cách suy nghĩ sáng tạo từ những nhà tư tưởng sáng tạo !

 

Hai cuốn Sức Mạnh Sáng Tạo của Bạn (Your Creative Power) và cuốn Vận Dụng Trí Tưởng Tượng (Applied Imagination) của tác giả Alex F. Osborn, giám đốc Tập đoàn Quảng cáo Quốc tế Batten, Barton, Durstine & Osborn (viết tắt là BBDO), đã khuyến khích hàng trăm ngàn người học tập cách tư duy sáng tạo. Nhờ đó, rất nhiều người đã hăng hái tự nguyện hướng theo những hành động tích cực. Suy nghĩ sẽ không bao giờ được xem là sáng tạo nếu theo sau nó không phải là hành động cụ thể.

Osborn, cũng giống như bao nhà tư tưởng sáng tạo khác, đã sử dụng giấy và bút chì như những công cụ làm việc yêu thích của mình. Mỗi khi nảy ra một ý tưởng, ông lập tức ghi lại ngay. Giống như các nhân vật thành công khác, ông luôn dành thời gian để suy nghĩ, lập kế hoạch và nghiên cứu. Alex Osborn khẳng định một chân lý: “Mọi người đều có khả năng sáng tạo, nhưng hầu hết chúng ta đã không chịu học cách để sử dụng khả năng đó”.

Những phương pháp động não (brainstorm) được Osborn trình bày trong cuốn sách Vận Dụng Trí Tưởng Tượng đã được áp dụng trong trường học, nhà máy, công ty, nhà thờ, câu lạc bộ và cả trong gia đình. Theo Osborn, động não là quá trình hai hoặc nhiều người cùng sử dụng khả năng sáng tạo của mình để đưa ra các ý tưởng vừa được chuyển từ tiềm thức đến nhận thức của họ. Những ý tưởng này được sử dụng để giải đáp cho một câu hỏi có liên quan đến một vấn đề cụ thể. Tất cả ý tưởng sẽ được viết ra giấy ngay khi chúng vừa hiện lên trong đầu những người tham gia. Và không ai được đưa ra bất kỳ lời nhận xét hay phê bình nào cho đến khi mọi ý tưởng đã được viết ra hoàn chỉnh. Sau đó, toàn bộ ý tưởng sẽ được đánh giá và phân tích để xem xét giá trị, cũng như mức độ khả thi của chúng.

Các trường đại học trên toàn nước Mỹ đã tổ chức nhiều khóa học dạy về khả năng tư duy sáng tạo. Các khóa học ấy giới thiệu những biện pháp đã được các nhà tư tưởng sáng tạo ứng dụng trong nền công nghiệp và trong công việc kinh doanh từ rất lâu.

Tư duy sáng tạo bằng cách “ngồi nghĩ ra ý tưởng”. Chính nhờ khả năng suy nghĩ sáng tạo mà Tiến sĩ Elmer Gates đã giúp cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Ông là một nhà giáo, triết gia, nhà tâm lý học, nhà khoa học và nhà phát minh vĩ đại người Mỹ. Ông đã có hàng trăm phát minh và khám phá trong lĩnh vực nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Tiến sĩ Gates đã chứng minh rằng những biện pháp xây dựng trí lực và thể lực có thể mang lại cho con người một sức khỏe tốt và gia tăng tính hiệu quả trong hoạt động tinh thần. Napoleon Hill nhớ lại, theo lời giới thiệu của Andrew Carnegie, ông đã từng ghé thăm Tiến sĩ Gates ở phòng thí nghiệm Chevy Chase của ông ấy. Khi Napoleon Hill vừa đến, thư ký của Tiến sĩ Gates nói: “Tôi xin lỗi, nhưng... tôi không được phép quấy rầy Tiến sĩ Gates trong lúc này”.

“Cô nghĩ tôi sẽ đợi bao lâu mới có thể gặp được ông ấy?” - Napoleon Hill hỏi.

“Tôi không biết, nhưng thường thì phải mất đến 3 giờ.”

- Cô thư ký trả lời.

“Cô có phiền không, nếu tôi muốn biết tại sao cô không thể quấy rầy Tiến sĩ?”

Cô thư ký ngập ngừng đáp: “Vì Tiến sĩ đang ngồi tìm ý tưởng”.

Napoleon Hill mỉm cười. “Nghĩa là sao?”

Cô thư ký mỉm cười và nói: “Tốt hơn chúng ta hãy để cho Tiến sĩ Gates trả lời câu hỏi của ông. Tôi thật sự không biết quá trình ấy kéo dài bao lâu, nhưng xin ông vui lòng chờ. Nếu ông muốn quay lại vào lần sau thì tôi sẽ sắp xếp một cuộc hẹn cho ông”.

Napoleon Hill quyết định chờ. Và đó là một quyết định sáng suốt. Những gì ông học hỏi được từ sau lần gặp gỡ đó quả là không uổng công ông chờ đợi.

Napoleon Hill kể lại:

“Khi Tiến sĩ Gates bước vào phòng, tôi đã kể lại những lời cô thư ký vừa nói. Sau khi đọc bức thư giới thiệu của Andrew Carnegie, Gates vui vẻ nói: ‘Ông có muốn xem nơi tôi ngồi tìm ý tưởng để biết tôi làm điều đó như thế nào không?’.

Nói xong, ông dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ với những bức tường được cách âm tuyệt đối. Vật dụng duy nhất trong phòng là chiếc bàn con và một chiếc ghế. Trên bàn có một xấp giấy và vài cây bút chì. Bên cạnh đó là cái công tắc đèn.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Tiến sĩ Gates giải thích rằng mỗi khi cảm thấy bế tắc trước một vấn đề nào đó, ông sẽ bước vào căn phòng này, đóng cửa lại, ngồi xuống, tắt đèn và bắt đầu tập trung cao độ. Ông đã vận dụng một nguyên tắc thành công là tập trung tinh thần. Ông đặt câu hỏi cho tiềm thức của mình để tìm câu trả lời trước một vấn đề cụ thể nào đó, bất kể vấn đề này thuộc lĩnh vực nào. Đôi khi, ông không tìm thấy một ý tưởng nào, nhưng cũng có lúc thì vô số ý tưởng chợt nảy sinh trong tâm trí của ông. Có khi ông phải mất đến 2 giờ đồng hồ thì chúng mới xuất hiện. Sau khi ý tưởng hiện lên rõ rệt, ông bật đèn lên và viết ra giấy.

Tiến sĩ Gates đã cải tiến và hoàn thiện hơn 200 sáng chế mà những nhà phát minh khác đã bắt tay thực hiện nhưng lại thất bại ngay trước ngưỡng cửa thành công. Ông chỉ cần bổ sung thêm một vài yếu tố còn thiếu. Phương pháp của ông là phân tích các ứng dụng của sáng chế đó và những bản vẽ của chúng cho đến khi tìm ra nhược điểm. Đây chính là điều gì đó hơn thế nữa đang bị thiếu. Ông cầm bản sao tờ giấy ghi các ứng dụng phát minh và những bản vẽ mang vào trong phòng. Trong quá trình ngồi tìm ý tưởng, ông tập trung vào việc tìm giải pháp cho một vấn đề cụ thể nào đó”.

Khi được đề nghị giải thích về quá trình ngồi tìm ý tưởng, Tiến sĩ Gates đã trình bày như sau: “Nguồn gốc của mọi ý tưởng là kiến thức được lưu lại trong tiềm thức và kết quả của kinh nghiệm, sự quan sát của mỗi cá nhân, đồng thời dựa trên nền tảng giáo dục.

Khi ngồi tìm ý tưởng, tôi có thể viện đến một trong những nguồn này. Quả thật tôi không biết được trên đời này còn có những nguồn ý tưởng nào khác không”. Tiến sĩ Gates đã dành thời gian tập trung suy nghĩ để tìm ra điều gì đó còn hơn thế nữa. Ông biết rất rõ đâu là điều mình đang muốn tìm kiếm. Và ông đã hiện thực hóa mong muốn đó bằng hành động cụ thể!

Trong Chương 7, chúng ta sẽ bàn đến cách “Học để thấy” nhằm giúp quá trình tìm kiếm điều gì đó còn hơn thế nữa của bạn trở nên dễ dàng hơn. Trong quá trình tìm kiếm này, rất có thể bạn sẽ thất bại. Nhưng sau mỗi thất bại, biết đâu bạn lại tìm thấy một điều gì đó còn tuyệt vời hơn. Hãy luôn tự hỏi: “Tại sao?”. Hãy trở thành một người biết quan sát. Hãy suy nghĩ! Và hãy hành động!

Chúng tôi nghĩ rằng mỗi gia đình nên trang bị một cuốn từ điển tổng hợp và một cuốn bách khoa toàn thư, bởi chúng có thể giúp bạn tìm thấy điều gì đó còn hơn thế nữa.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét