Ads 468x60px

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Thái độ tích cực đối mặt với thử thách


Với một thái độ tích cực, ông ấy đã đối mặt với thử thách thay đổi ở Nhà tù Leavenworth. Người đàn ông này sinh ra trong gia cảnh nghèo khó. Lúc nhỏ, ông đã đi bán báo và đánh giày ở khắp các quán rượu dọc cầu cảng Seattle để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Khi lớn hơn một chút, ông làm phục vụ trên một chiếc tàu hàng của Alaska trong suốt mấy tháng nghỉ hè. 17 tuổi, sau khi học xong trung học, ông bỏ nhà ra đi. Ông sống lang thang trên các toa xe lửa và rong ruổi khắp nước Mỹ.

Bạn đồng hành của ông là những người vô gia cư. Ông đánh bạc, kết giao với đủ hạng người, từ lính đánh thuê, người tị nạn đến dân buôn lậu, kẻ trộm cắp. Ông đã gia nhập băng đảng Pancho Villa ở Mexico. Ông ấy nói: “Bạn không thể nói đến những hoạt động ngoài vòng pháp luật này nếu không hiểu rõ chúng, cho dù bạn chẳng làm gì xấu xa. Sai lầm lớn nhất của tôi là đã kết thân với những người xấu, những thành phần bất hảo”.

Ông thắng bạc, rồi lại thua bạc hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, ông bị bắt với tội buôn lậu ma túy. Ông bị đưa ra xét xử và bị kết án tù. Tuy nhiên, trong suốt phần đời còn lại, ông, Charlie Ward, không bao giờ mắc phải sai lầm đó thêm lần nào nữa.

Charlie Ward mới 34 tuổi khi bị bắt và bị giam giữ trong nhà tù Leavenworth. Trước đó, ông chưa bao giờ phải ngồi tù. Ông cảm thấy vô cùng cay đắng và ông thề rằng không một nhà tù nào có thể giam giữ ông. Ông bí mật tìm cách vượt ngục.

Và rồi một điều gì đó đã xảy ra! Charlie quyết định thay đổi thái độ của mình, chuyển từ tiêu cực sang tích cực. Ông đã đối mặt với thử thách thay đổi bằng một thái độ tích cực. Một điều gì đó từ bên trong đã khuyên ông hãy từ bỏ thái độ  thù địch và trở thành một tù nhân tốt. Kể từ đó, cuộc sống đã diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho ông. Chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực, Charlie Ward đã từng bước làm chủ được chính mình.

Ông không còn tỏ ra hung hăng nữa. Ông không còn thù ghét những nhân viên công lực liên bang đã bắt ông vào tù. Ông cũng không còn căm hận vị thẩm phán đã tuyên án ông.

Ông đã nhìn lại và tĩnh tâm suy ngẫm về hình ảnh của một Charlie Ward trong quá khứ. Ông quyết tâm không để những điều tiêu cực có cơ hội tái diễn trong tương lai. Ông nỗ lực tìm cách để làm cho cuộc sống trong tù trở nên dễ chịu hơn.

Trước tiên, ông đã tự đặt ra một số câu hỏi. Và lần đầu tiên trong đời, ông tìm ra câu trả lời từ những cuốn sách. Sự thay đổi thái độ và kéo theo đó là sự thay đổi hành vi khiến cho các nhân viên trại giam dần dần có thiện cảm với ông.

Một hôm, viên giám thị nói với ông rằng người tù ở xưởng phát điện sẽ được trả tự do sau ba tháng nữa. Charlie Ward hầu như không biết gì về điện, nhưng ông biết rằng trong thư viện nhà tù có những cuốn sách về chuyên ngành này. Thế là ông tìm đọc để xem liệu các cuốn sách này có thể dạy ông những gì.

Sau ba tháng, Charlie đã sẵn sàng. Ông xin nhận công việc này. Thái độ nghiêm túc và giọng nói chân thành của ông đã gây ấn tượng mạnh với viên phó giám thị. Ông đã được nhận vào làm việc tại xưởng phát điện!

Nhờ liên tục nghiên cứu và nỗ lực với thái độ tích cực, Charlie Ward đã trở thành người giám sát xưởng phát điện của trại giam với 150 tù nhân. Ông đã cố gắng động viên, khích lệ từng người cải thiện hoàn cảnh của mình sao cho tốt nhất.

Khi Herbert Hughes Bigelow, chủ tịch Công ty Brown & Bigelow ở St. Paul, Minnesota, bị đưa đến nhà tù  Leavenworth vì tội danh trốn thuế, Charlie Ward cũng đối xử tốt với ông ta, giúp ông ta thích nghi với môi trường mới. Bigelow rất cảm kích tình cảm và sự giúp đỡ của Charlie nên khi sắp mãn hạn tù, ông đã nói với Charlie rằng: “Anh thật tốt bụng. Khi thụ án xong, anh cứ đến St. Paul. Chúng tôi sẽ dành một công việc cho anh”.

Năm tuần sau đó, Charlie được trả tự do và ông đến St. Paul. Như đã hứa, Bigelow đã chuẩn bị sẵn việc làm cho ông. Charlie nhận công việc lao động phổ thông với mức lương 25 đô-la mỗi tuần. Do luôn nỗ lực làm việc với thái độ tích cực nên chỉ trong vòng hai tháng, Charlie đã được thăng chức lên làm đốc công, rồi sau một năm, ông đã trở thành quản lý. Cuối cùng, Charlie được đề bạt làm phó chủ tịch và tổng giám đốc. Khi Bigelow qua đời, Charlie trở thành chủ tịch của Brown & Bigelow. Ông liên tục nắm giữ cương vị này cho đến khi qua đời. Dưới sự quản lý của Charlie, doanh số bán hàng gia tăng từ 3 triệu đô-la lên hơn 50 triệu đô-la mỗi năm, đưa Brown & Bigelow trở thành công ty lớn nhất trong ngành.

Nhờ thái độ tích cực của Ward và ước muốn được giúp đỡ những người kém may mắn mà ông đã tìm thấy sự thanh thản, hạnh phúc, tình yêu cũng như những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống. Với cương vị chủ tịch, quyền công dân của ông đã được khôi phục đầy đủ như một sự đền đáp cho lối sống gương mẫu. Những người quen biết đều tỏ lòng kính trọng ông. Họ cũng luôn có ý thức giúp đỡ người khác.

Có lẽ một trong những hành động đáng tuyên dương nhất của ông là việc tuyển dụng hơn 500 cựu tù nhân. Các nhân viên đặc biệt này tiếp tục được rèn luyện nhân cách dưới sự nghiêm khắc nhưng tận tình và những lời động viên tích cực của ông. Charlie chưa bao giờ quên rằng mình cũng từng là một tù nhân. Ông viết số tù của ông trên một tấm thẻ rồi buộc vào chiếc vòng đeo tay như một cách để tự nhắc nhở mình.

Charlie Ward lầm lạc và bị kết án tù. Nhưng khi ở trong tù, ông đã đối mặt với thử thách phải thay đổi. Chính ở đó, ông đã học cách sử dụng thái độ tích cực để giải quyết vấn đề của mình. Ông đã biến đổi thế giới của mình thành một thế giới tốt đẹp hơn. Mỗi ngày ông sống tốt hơn và có ích hơn.

May mắn thay, không phải ai trong chúng ta cũng đều đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như Charlie Ward. Nhưng ngoài việc thay đổi thái độ từ tiêu cực sang tích cực, ở đây chúng tôi còn muốn đề cập đến một bài học khác.

Bạn có nhớ Charlie đã từng nói: “Sai lầm lớn nhất của tôi là đã kết giao với những người xấu”? Thái độ tiêu cực thường dễ lây lan. Thói xấu cũng vậy. Chúng ta hãy nhìn lại những người bạn của mình để bảo đảm rằng tất cả họ là những người tốt. Một trong những việc tốt nhất bạn có thể làm đối với con trẻ là chỉ bảo chúng chọn lựa bạn tốt để chơi. Hãy luôn nhớ câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét