Ads 468x60px

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Bí quyết 32 : Làm cho lương tâm thanh thản

Tội lỗi và lương tâm là những sản phẩm quan trọng trong quá trình phát triển của con người. Chúng thật sự cần thiết cho sự chung sống hòa bình của chúng ta. Thử nghĩ xem, xã hội sẽ như thế nào nếu tất cả mọi người đều sống vô lương tâm, không hề biết nghĩ đến người khác. Nhưng điều chủ yếu được bàn đến ở đây chính là việc những người luôn cảm thấy tội lỗi về tất cả mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống, chẳng hạn như khi họ chi xài vài đô-la cho một thú tiêu khiển nào đấy, khi chưa làm việc đủ nhiều, khi những người xung quanh ngã bệnh hoặc khi họ từ chối một lời yêu cầu.

Nếu bạn là người như thế, thì những lời khuyên đơn giản hóa sau đây có thể giúp bạn đương đầu với cảm giác tội lỗi bị cường điệu quá mức và không lành mạnh đó. 

Xác định vị quan tòa nhỏ của mình

Rất nhiều người phải chịu đựng cảm giác tội lỗi quá mức khi luôn cảm thấy có một hoặc hai vị quan tòa ngồi trên vai bảo với họ cái gì đúng, cái gì sai. Đó có thể là tiếng nói của cha mẹ, người thân, anh chị em hoặc một người nào đó đã từng phán xét họ khi họ còn bé. Hãy nhìn kỹ những vị quan tòa ấy và tìm xem giọng của ai đang nói với bạn. Sau đó, hãy nói chuyện với vị quan tòa ấy và bảo với họ rằng giờ bạn đã đủ lớn để lắng nghe chính mình.

Dù cho rằng mình đã trưởng thành nhưng nhiều người vẫn để cho các vị quan tòa chiếm vị trí rất lớn trong nội tâm mình. Trong khi đó, đích đến của sự trưởng thành chính là sự độc lập với tiếng nói của người khác. Đó chính là sự tự chủ, lắng nghe các giá trị nội tại và những nguyên tắc chỉ đạo của chính bản thân mình.

Nếu vẫn tiếp tục nghe thấy tiếng của các vị quan tòa đó thì hãy dùng tay phủi họ xuống khỏi vai bạn. Nghi thức này giúp bạn phân biệt được sự phán xét của chính mình với một sự phán xét đến từ bên ngoài.

Hãy để các vị quan tòa của bạn nghỉ ngơi

Những người luôn cảm thấy tội lỗi thường làm việc đến kiệt sức mà vẫn không thấy lòng thanh thản. Chính vì thế, hãy nghỉ tay trước khi bạn rơi vào tình trạng đó. Hãy tự nhủ với bản thân rằng bạn đã làm hết khả năng của mình. Hãy tưởng tượng cảm giác tội lỗi của mình lại là các vị quan tòa. Hãy đặt họ vào giường và nói với họ rằng: “Dù tôi có làm việc như nô lệ thêm ba tiếng đồng hồ nữa thì các vị cũng vẫn không thỏa mãn. Vậy nên tôi sẽ nghỉ tay ngay bây giờ để có thể tươi tỉnh vào ngày mai”. Và sau đó, bạn cũng hãy đi ngủ.

Hãy kiên trì

Những người luôn cảm thấy tội lỗi thường sống lẻ loi trong một số hoàn cảnh. Chẳng hạn, họ có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng chẳng bao giờ chia sẻ điều ấy với bạn bè, đồng nghiệp; hay dù làm việc trong môi trường căng thẳng nhưng họ cũng chẳng đề cập đến nó khi ở nhà. Lúc ở nhà, họ nghe thấy các vị quan tòa của mình bảo rằng: “Đừng lãng phí sức lực vào cuộc sống riêng tư nữa. Hãy nghĩ đến công ty nhiều hơn!”. Và khi đi làm, các vị quan tòa ấy lại thúc giục họ hoàn tất công việc và về nhà đúng giờ.

Hãy kết thúc sự giằng xé cực đoan đó. Hãy ủng hộ những điểm yếu của bạn. Khi ở nhà, hãy nói ra những cảm nhận của bạn về công việc. Khi đi làm, hãy nói về những khó khăn của bạn ở nhà. Việc này có thể mang đến cho bạn và những người xung quanh cảm giác thanh thản, với điều kiện nó không bị biến thành việc ngồi lê đôi mách.

Hãy chấp nhận cái bóng tăm tối

Đôi khi, những người phải chịu đựng cảm giác tội lỗi cảm thấy họ cần phải chiến thắng mọi điều xấu xa trong môi trường sống của mình. Theo đó, họ đã tự tạo căng thẳng cho mình. Hãy tưởng tượng mọi việc làm tốt đẹp của bạn đều tạo ra một cái bóng và bạn không thể nào ngăn cản điều đó.

Hãy tìm một người đáng tin cậy

Hãy tìm một người nào đó mà bạn có thể tâm sự về những vị quan tòa của mình - một người chỉ đơn thuần lắng nghe mà không đưa ra bất kỳ lời khuyên bảo nào. Đó có thể là một người bạn, một nhà tâm lý hay một đức cha.

Nếu bạn không thể chia sẻ với người khác về những nỗi lo lắng của mình, nghĩa là bạn cảm thấy xấu hổ về chúng. Tuy nhiên, bạn không cần phải cảm thấy như thế bởi nó thuộc về con người bạn. Hãy cởi mở với ít nhất là một người mà bạn tin tưởng. Đừng nói: “Ồ, tôi chẳng có giá trị gì”. Trong khi đó, nếu bộc lộ bản thân nhiều hơn, bạn sẽ thể hiện cho người khác thấy được những sắc thái đa dạng và thú vị của bạn hơn.

Hãy nghĩ xa

Hãy tưởng tượng đến con cháu của bạn và rằng chúng cũng sẽ có cùng cảm giác tội lỗi như bạn hiện có. Đây là một sự thật đã được chứng minh. Bạn có thể bảo vệ chúng khỏi những trải nghiệm ấy bằng cách lưu ý đến những điều được đề cập ở trên. Nếu bạn không làm việc này cho bản thân, thì cũng hãy làm nó vì con cháu của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét