Ads 468x60px

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Ngăn chặn cơn lũ thông tin

Ngày nay, chúng ta đang dành nhiều thời gian cho các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, dòng chảy của thông tin và các chương trình giải trí không hề bị sút giảm. Mỗi công nghệ mới xuất hiện đều hứa hẹn sẽ đơn giản hóa cuộc sống của bạn, trong khi chẳng có bất kỳ phương tiện cũ nào thật sự biến mất cả. Hãy tìm ra con đường đơn giản hóa cho mình bằng những cách làm dưới đây. Hãy chọn ra trong những gợi ý phù hợp nhất với bạn.

Giảm thiểu chồng tài liệu “phải đọc”

Đừng đè nặng bản thân bằng những chồng sách báo, tạp chí và các catalog chưa đọc đến. Nếu chồng sách báo ấy vượt khả năng đọc trong vòng một tháng của bạn thì nó sẽ trở thành gánh nặng tâm lý mà thôi. Hãy xem qua tất cả các tờ báo, chỉ giữ lại những tờ hay nhất và vứt bỏ những tờ còn lại. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Đọc tạp chí với một con dao rọc giấy

Khi tìm thấy bài viết cung cấp nhiều thông tin cần thiết, hãy cắt nó ra. Bằng cách này, bạn sẽ không phải giữ lại cả cuốn tạp chí chỉ vì “có một vài thông tin tôi muốn đọc trong ấy”.

Tạo mục lục của chính mình trong các cuốn sách

Khi tìm thấy điều gì đó thú vị trong một cuốn sách, hãy tạo ra phần mục lục của riêng mình bằng cách ghi lại số trang ở mặt trong của bìa sách. Cách làm này sẽ giúp bạn tìm lại “những đoạn hay” ấy dễ dàng hơn cũng như việc đọc sách của bạn sẽ trở nên có tổ chức hơn.

Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể sử dụng các nhãn dán màu để làm dấu những chỗ mà có thể bạn sẽ cần tìm lại. Thông thường khi đọc sách, bạn sẽ tìm thấy từ ba đến mười chỗ mà bạn muốn tham khảo lại sau này. Các nhãn dán màu sẽ giúp bạn tìm lại những chỗ đó một cách nhanh chóng. Bạn cũng có thể nhìn qua và biết được rằng mình đã đọc cuốn sách này một cách kỹ lưỡng.

Đừng đọc các tờ nhật báo

Đọc báo vào bữa ăn sáng là thói quen của không ít người. Nội dung thông tin thường là rất ít. Ngay cả những tờ nhật báo tốt nhất thường cũng chỉ có một vài bài báo thật sự chất lượng. Vậy thì bạn hãy thử suy nghĩ xem liệu mình có mất mát gì không nếu không đọc các bài báo đó?

Mẹo đơn giản hóa: Hãy giao việc đọc báo cho một thành viên khác trong gia đình. Nếu có bài viết nào thật sự thú vị, người ấy sẽ nói cho bạn biết. Bạn có thể nhận được tin tức hàng ngày qua radio vào buổi sáng hoặc các bản tin cuối ngày. Vào bữa ăn sáng, bạn chỉ nên đọc những bài viết được chọn lọc và tốt hơn là hãy dành thời gian ấy để trò chuyện với các thành viên trong gia đình.

Nếu các cuộc họp là điều thiết yếu đối với cuộc sống công sở thì việc chuyện trò vào bữa ăn sáng cũng đóng vai trò tương tự trong cuộc sống riêng tư của bạn.

Nếu bạn không thể từ bỏ thói quen đọc báo của mình thì hãy chỉ đọc những phần có chứa những thông tin hữu dụng mà thôi, chẳng hạn như tin kinh tế, các bài bình luận về chính trị... Đừng đọc lướt qua phần còn lại bởi việc làm đó vừa tốn thời gian trong khi kết quả thì chẳng là bao.

Hãy sử dụng một cuốn sổ ghi chú thay vì nhiều mẩu giấy nhỏ

Khi muốn ghi chú điều gì đó, hãy viết nó cả vào cuốn sổ chuyên dùng để ghi những điều bạn không được quên. Việc sử dụng nhiều mảnh giấy nhỏ có khả năng khiến bạn sao nhãng và mất tập trung.

Hãy giảm bớt các vật dụng quảng cáo

Những chiếc áo sơ mi và nón kết có in các dòng chữ quảng cáo, tách đựng cà phê có khẩu hiệu của nhà sản xuất, những câu ngạn ngữ vui trên tủ lạnh, những cây bút có in thông tin của công ty và hàng ngàn vật dụng khác xung quanh đang liên tục gửi những thông điệp quấy rầy tiềm thức của bạn. Hãy loại bỏ tất cả những thứ gây sao nhãng ấy ra khỏi tầm nhìn của bạn.

Hãy trưng bày sách trẻ con

Để tạo động lực cho con trẻ đọc sách, hãy làm theo cách của các nhà sách: trưng bày một số cuốn sách lên kệ, bìa hướng ra ngoài. Hãy thay đổi các tựa sách mỗi tuần một lần. Việc này sẽ gửi đến trẻ thông điệp rằng: “Sách rất quan trọng”.

Chữa trị chứng nghiện ti-vi

Việc xem ti-vi chẳng có gì bất ổn cả. Không có phương tiện nào có khả năng tác động đến tất cả các giác quan của ta một cách sâu sắc và đáng nhớ như ti-vi. Một cuộc nghiên cứu được tiến hành ở Thụy Điển vào năm 1995 đã cho thấy rằng trẻ em ở những gia đình không có ti-vi gặp nhiều bất lợi hơn trong việc tiếp thu các vấn đề về giáo dục và phát triển trí thông minh so với trẻ em của những gia đình có ti-vi, với điều kiện các em ấy không ngồi liên tục cả ngày trước màn hình ti-vi. Việc ngồi xem ti-vi liên tục sẽ phá hoại tác dụng tích cực của ti-vi. Dưới đây là một vài lời khuyên đơn giản hóa cho việc sử dụng ti-vi.

Hãy xem một chương trình, rồi nghỉ xả hơi. Đừng bao giờ bật ti-vi lên rồi để đấy. Trước hết, hãy tìm chương trình mà bạn thật sự muốn xem. Hãy quyết định rằng bạn sẽ tắt ti-vi ngay khi hết chương trình đó. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đang ở khách sạn và định mở ti-vi lên để chống lại cảm giác cô độc khi ở đấy.

Bỏ đi nơi khác. Đôi khi bạn bị hút vào một bộ phim =chẳng đáng xem và cứ ngồi trước màn hình dù rằng không hề thấy thích thú. Liều thuốc chữa trị: Hãy rời khỏi phòng trong khi cái ti-vi vẫn còn mở. Một khi “sợi chỉ ma thuật” giữ chân bạn với ti-vi đã bị đứt thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra bộ phim ấy chẳng hề đáng xem chút nào. Khi đó, hãy quay vào phòng và tắt ti-vi đi.

Nhờ người khác xem ti-vi hộ. Khi muốn xem một chương trình cụ thể nào đấy bởi nó có liên quan đến công việc hay sở thích của bạn, hãy nhờ người khác xem chương trình ấy và ghi hình lại trong một băng video. Sau đấy, bạn có thể hỏi người ấy phần nào của chương trình thú vị nhất. Và bạn chỉ cần xem đúng những phần đó trên băng video mà thôi.

Rút lui 50%. Hãy loại bỏ chứng nghiện phim bộ. Các chương trình nhiều kỳ và các phim dài tập được phát sóng trên ti-vi có thể gây nghiện. Nếu bạn đã bị nghiện những chương trình đó, bạn chỉ nên xem một số trích đoạn của nó mà thôi. Bằng cách này, bạn vẫn nắm được nội dung chính trong khi lại tiết kiệm được thì giờ. Dần dần, bạn sẽ từ bỏ nó một cách dễ dàng.

Tránh xa các lề thói! Hãy suy nghĩ lại thói quen xem ti-vi của bạn. Liệu bạn có thể sống nếu thiếu các chương trình ti-vi? Hãy hình thành nên những thói quen khác thay thế, chẳng hạn như nghe đài. Cách làm này sẽ giúp bạn tránh bị các bản tin trên ti-vi “dẫn truyền” đến chuỗi các chương trình buổi tối khác.

( Source : Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét