Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phần 22 - Diệt bọn trộm trong núi thì dễ, diệt bọn trộm trong tâm mới khó

Tôn Ngộ Không thật và giả đánh nhau
Trong danh mục các giống khỉ thuộc loài linh trưởng hoàn toàn không có loài khỉ sáu tai này. Nó chẳng qua là những vọng tưởng được giấu kín ở sâu thẳm trong nội tâm của Ngộ Không. Nó là một hình thái khác của cái tâm trong con người Tôn Ngộ Không. Vì thế nó có hình dạng giống hệt Tôn Ngộ Không thật. Cuộc chiến bất phân thắng bại giữa hai Ngộ Không đã phản ánh sinh động mâu thuẫn và sự đau khổ ở nơi sâu thẳm trong nội tâm của Ngộ Không. 

Trên đường gặp cường tặc 

Có thể thấy rằng trên con đường đến Tây Thiên thỉnh Kinh, sau khi trải qua nhiều khó khăn, bốn thầy trò đã có được những bài học rất bổ ích. Trong mắt họ lúc này, không có con sông nào không thể qua, không có Hỏa Diệm Sơn nào không thể vượt. Khi bốn thầy trò đã đồng tâm hiệp lực thì mọi con đường đều có thể được mở ra. 

Đường Tăng cao hứng thúc ngựa, phi nhanh như tên, bỏ xa ba đồ đệ mãi phía sau. Bỗng nghe thấy một tiếng thanh la, hai bên đường xuất hiện 30 tên cường tặc mang đầy đao kiếm, gậy gộc. Đường Tăng sợ đến ngồi không vững, ngã từ trên lưng ngựa xuống đất. 

Biến cố đến quá đột ngột, Đường Tăng không biết phải làm thế nào, thụp xuống vệ cỏ nói: 

- Đại Vương tha mạng. Đại vương tha mạng! 

Hai tên cường tặc đứng đầu cười nói: 

- Cái ta cần không phải là mạng của người, mà là tiền bạc của người, nhanh để tiền bạc và ngựa ở lại thì chúng ta sẽ tha người đi. 

Đường Tăng vội trả lời: 

- Hành lý của tôi đều đang ở chỗ đồ đệ tôi, đợi họ tới tôi sẽ đem toàn bộ tiền bạc cho các ngài. 

Sau một hồi suy nghĩ, tên cầm đầu cho quân lính dùng dây trói Đường Tăng lại, treo lên trên cây cao. 

Trư Bát Giới đi từ xa nhìn thấy, lấy làm lạ mà nói rằng: 

- Sư phụ của chúng ta sao còn trẻ con thế nhỉ, còn leo lên cây chơi xích đu sao? 

Tôn Ngộ Không vừa nhìn thấy, liền nói: 

Đồ ngốc, sư phụ chúng ta làm sao có thể đi chơi xích đu hả ? Chắc là sư phụ bị người ta trói lên đó. Các người ngồi đây chờ một lát, ta đi xem tình hình thế nào. 

Ngộ Không biến mình thành một chú tiểu, tầm 15, 16 tuổi, cõng trên vai một tay nải bằng vải lam, hối hả chạy lại hỏi: 

- Sư phụ à! Người làm sao vậy? 

Đường Tăng nói: 

- Ta gặp phải bọn thảo khấu[20], chúng trói ta ở đây, đợi các con đến để cướp tiền. 

Tôn Ngộ Không nói: 

- Chúng ta đã phải trải qua biết bao vất vả, cơm còn không có mà ăn lấy đâu ra tiền cho chúng. 

Đường Tăng lại nói: 

- Nếu không hãy đưa con Bạch Mã của ta cho chúng vậy. 

Tôn Ngộ Không trả lời: 

- Bạch Mã là đôi chân của sự phụ, đưa cho chúng thì làm sao sư phụ có thể đến Tây Thiên lấy Kinh đây ? 

Đường Tăng lại nói: 

- Chỉ cần giữ được mạng sống rồi dựa vào đôi chân mình sớm muộn gì chả tới được Tây Thiên.

Tôn Ngộ Không hạ thủ vô tình 

Hai thầy trò Ngộ Không đang nói chuyện với nhau thì bọn cướp đã nhanh chóng đứng vây quanh bốn phía. Một tên lên tiếng: 

- Tên tiểu hòa thượng kia, sư phụ của người nói là trong túi xách của người có tiền, người hãy nhanh đem tiền ra đây thì bọn ta sẽ thả các người. Nếu như không nghe lời thì chúng ta sẽ cắt đứt con đường sống của các ngươi! 

Tiểu hòa thượng cười nói: 

- Trong túi ta có tới hơn 20 lượng vàng và một ít bạc vụn. Thế nhưng các ngươi phải thả sư phụ của ta ra trước đi. 

Bọn trộm nghe thấy thế liền cười nói: 

- Tên tiểu hòa thượng này có vẻ cũng khẳng khái đấy! 

Chúng liền thả Đường Tăng. Đường Tăng được thả, liền leo lên Bạch Mã. 

Trư Bát Giới và Sa Tăng nhìn thấy liền chặn lại hỏi: 

- Sư phụ, sao người vội vàng vậy ? 

Đường Tăng dừng ngựa lại, hốt hoảng nói:

- Bát Giới, con hãy nhanh chạy lại nói với sư huynh con là chỉ cần đánh họ mấy gậy chứ đừng giết chết những tên cướp đó. 

Bát Giới vội vàng chạy đi, trong bụng nghĩ “ở đâu có cướp đường nhỉ”, gặp Tôn Ngộ Không, Trư liền hỏi: 

- Huynh à! Bọn cướp chạy đâu hết rồi ? 

Tôn Ngộ Không trả lời: 

- Bọn họ chạy hết rồi chỉ còn có hai tên đang ngủ say. 

Trư Bát Giới nhìn hai tên trộm mới biết chúng đã có một giấc ngủ không bao giờ tỉnh lại nữa. 

Đường Tăng nghe nói thế thì rất tức giận liền quay đầu lại quát Tôn Ngộ Không: 

- Con khỉ kia, người đã sống cùng ta bao nhiêu năm rồi sao lại còn có thể giết người tàn nhẫn thế hả ? 

Tôn Ngộ Không nói: 

- Đệ tử đã bảo sư phụ đi trước, ai ngờ rằng sư phụ lại đi sai đường. Nếu như hôm nay không giết sạch bọn chúng thì còn để lại hậu họa về sau. 

Đường Tăng đáp trả:

- Ngươi đúng là ngụy biện. Tuy ta gan nhỏ nhưng nếu thấy bọn chúng tìm ta lần nữa, ta chỉ cần lên ngựa bỏ chạy là được, bọn chúng cũng sẽ không lòng nào nỡ giết ta nữa đâu. 

Đường Tăng liền nhắm mắt lại và suy nghĩ một hồi lâu, rồi bảo với Trư Bát Giới dùng đinh ba đào hai cái huyệt tử tế để chôn cất hai tên cướp. 

Lời “Khẩn cô chú” của Đường Tăng 

Đêm đó, bốn thấy trò Đường Tăng trọ lại ở một gia đình người Hán họ Dương. Lúc nửa đêm, con trai người họ Dương là Dương Hổ về nhà có mang theo một lũ đồng đảng làm trộm cướp. Vợ của Dương Hổ đành phải thức dậy làm cơm cho bọn chúng. Một lát sau, Dương Hổ chạy vào nhà bếp hỏi vợ: 

- Bà à, sau sân nhà mình có con ngựa trắng ở đâu đến đó ? 

Người vợ nói: 

- Của bốn thầy trò đến từ phía Đông. 

Dương Hổ nghe thấy thế liền vội vàng chạy vào báo tin cho bọn đồng đảng: 

- Các anh em, thật là trùng hợp, tên hòa thượng lúc chiều đánh chết hai đồng bọn của chúng ta lại đang ở đây. Bọn chúng đang ngủ say ở phía sau nhà. 

Tên tướng cướp nói: 

- Hãy nhanh mài dao, đợi chúng ta ăn no thì chúng ta sẽ giết hết bọn chúng để báo thù cho hai anh em đã chết. Chúng ta sẽ cướp lấy hành lý và ngựa của chúng. 

Ông chủ quán họ Dương ngủ ở trên giường nghe thấy thế liền nhẹ nhàng đi vòng ra nhà sau, gọi thầy trò Đường Tăng tỉnh dậy. Bọn cướp lúc này đang ngồi trước cửa nhà mài dao nên ông Dương đành mở cửa sau cho mấy thầy trò trên đi. Khi bọn cướp xông vào thì bốn thầy trò cũng vừa đi. Dương Hổ liền nói: 

- Mấy tên hòa thượng đó chưa thể chạy xa được, chúng ta vẫn còn có thể đuổi kịp. 

Nói xong chúng liền mở cửa sau đuổi theo thầy trò Đường Tăng. 

Bốn thầy trò Đường Tăng vội vàng bỏ chạy, chạy được một lúc thì mặt trời mọc, bỗng nghe thấy phía sau lưng có tiếng kêu gào, thì ra là bọn cướp đang múa gươm đao, gậy gộc đuổi theo. Tôn Ngộ Không nói:

- Sư phụ đừng sợ, hãy để đồ đệ đối đầu với bọn chúng. 

Đường Tăng chỉ kịp dặn với theo: 

- Chỉ cần đuổi bọn chúng đi, đừng có giết người nữa đấy. 

Tôn Ngộ Không cười nói: 

- Sư phụ yên tâm, Ngộ Không rất hiểu đạo lý mà. 

Tôn Ngộ Không quay đầu hỏi toán cướp: 

- Trong các người ai là con trai của ông Dương ? 

Bọn cướp hung hăng nói: 

- Ngươi chết đến nơi rồi còn hỏi để làm gì? 

Tôn Ngộ Không nói: - Ta cần phải thay lão Dương dạy đạo lý cho đứa nghịch tử này. 

Tôn Ngộ Không nhìn thấy lão Dương là người lương thiện nên muốn dạy bảo tới Dương Hổ, muốn dạy cho anh ta nhân nghĩa chứ không có ý giết hại anh ta. Thế nhưng, bọn cướp không hiểu được ý tốt của Ngộ Không. Tôn Ngộ Không nổi nóng dùng cây gậy Như Ý đánh cho chúng một trận thừa sống thiếu chết. Vì không trả lời câu hỏi của Tôn Ngộ Không nên Dương Hổ cũng phải chịu trận như đồng bọn. Kết quả là cả bọn đều đi chầu Diêm Vương. 

Đường Tăng lại một phen tức giận, không nói một lời, ngồi xếp bằng bên vệ đường rồi niệm “Khẩn cô chú”. Tôn Ngộ Không đau đớn, quằn quại dưới đất. Đường Tăng vẫn chưa hết tức giận, miệng không ngừng niệm thần chú. Tôn Ngộ Không chỉ còn cách lăn lộn dưới đất, không ngừng kêu van. 

Đường Tăng than thở nói:

- Con khỉ kia, người đã biến thành tự tung tự tác như vậy, giữ người lại còn có tác dụng gì? Ngươi hãy đi đi! 

Tôn Ngộ Không hỏi: 

- Người vì sao phải đuổi con đi? 

Đường Tăng tức giận nói: 

- Nếu người không đi, ta sẽ niệm thần chú 100 lần! 

Tôn Ngộ Không vội vàng kêu lên: 

- Đừng niệm, đừng niệm, con đi là được chứ gì! 

Nói rồi nhảy lên cân đẩu vân biến mất.

Hai Tôn Ngộ Không 

Chúng ta đã biết, do sự khác biệt về tính cách nên sự bất hòa giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không dường như xuyên suốt trong Tây du ký. Ở đây, tác giả dành hẳn ra một hồi, mượn việc Ngộ Không giết Dương Hổ và đồng bọn để thể hiện việc Đường Tăng - một người có tính cầu toàn, tôn thờ những chuẩn mực đạo đức - đồng thời cũng thể hiện tính cách ngang tàng, phách lối của Ngộ Không - nhân vật có tính cách mạnh mẽ. Cuối cùng, xung đột lại một lần nữa được đẩy lên đỉnh điểm. Thái độ của Đường Tăng đối với Ngộ Không cũng bất ngờ thay đổi, từ nhẫn nhịn chuyển sang độc đoán và không nhân nhượng. 

Rất nhiều người cho rằng, nếu không có Tôn Ngộ Không diệt trừ yêu quái trên đường đi thì e rằng Đường Tăng khó đến được Tây Thiên. Rất có thể ở một ngọn núi nào đó, vị hòa thượng có tính cách cầu toàn này đã bị yêu quái ăn thịt. Còn đối với vấn đề có nên giết kẻ ác hay không, mỗi người lại có quan điểm chung riêng, nhưng tựu chung lại, số người ủng hộ Tôn Ngộ Không vẫn chiếm phần đông. Vì thế, luôn có người chê trách Đường Tăng không biết phải trái đúng sai, hơi một tý là niệm chú, hơi một tý là đuổi Ngộ Không đi. Có một quan điểm cho rằng: “Sang Tây Thiên thỉnh Kinh hoàn toàn là một việc làm đơn giản, hãy để Tôn Ngộ Không dùng cân đẩu vân bay lên núi Linh Sơn, rồi lại cưỡi cân đẩu vân mang Kinh Phật về Trường An. Tại sao cứ bắt Ngộ Không phải hộ tống một người trần mắt thịt như Đường Tăng?” Một quan điểm khác lại cho rằng: “Không ai có thể thay thế vai trò của Đường Tăng, vì hai nguyên nhân sau: một là, trong tay Đường Tăng có văn điệp thông quan; hai là, Phật Tổ Như Lai chỉ chấp nhận Đường Tăng là người có tư cách sang Tây Thiên thỉnh Kinh”. 

Hai quan điểm này dường như rất có tính đại diện. Thậm chí, ngay cả Tôn Ngộ Không cùng từng suy nghĩ: Chẳng phải trong tay Đường Tăng có văn điệp thông quan sao? Chẳng phải Phật Tổ Như Lai chỉ chấp nhận Đường Tăng là người có tư cách sang Tây Thiên thỉnh Kinh sao Vậy ta sẽ cướp văn điệp của Đường Tăng, sau đó tạo ra một Đường Tăng giả làm bù nhìn. Như thế Tôn Ngộ Không ta chẳng phải có thể sang Tây Thiên thỉnh Kinh sao? 

Ngộ Không ngồi trên đỉnh núi suy ngẫm rất lâu, thế rồi ý nghĩ sai quấy trên bỗng xuất hiện trong đầu. Y dùng phép phân thân biến ra hai Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không số một bay đến Nam Hải kể khổ với Quan Thế Âm Bồ Tát còn Tôn Ngộ Không số hai từ trên mây bay xuống, cướp hành lý của Đường Tăng. 

Tôn Ngộ Không số một 

Trước tiên nói về Tôn Ngộ Không số một, y quay về vái lạy Quan Thế Âm Bồ Tát, không ngừng khóc lóc, nước mắt chảy như suối. Quan Thế Âm Bồ Tát thấy y khóc, liền vội vàng đỡ dậy nói: 

- Vì sao người đau buồn như vậy? Nói đi, ta sẽ trừ tai cứu khổ cho người. 

Tôn Ngộ Không quệt nước mắt, đem toàn bộ sự tình kể lại từ đầu. Y nói: 

Từ khi thoát khỏi thiên tai dưới núi Hành Sơn, ta vâng lời giáo hồi của Bồ Tát bảo vệ Đường Tăng đến Tây Thiên cầu Phật thỉnh Kinh. Trên đường đi, dù phải trải qua bao nhiêu núi đao biển lửa, ta không tiếc thân mệnh, vì Đường Tăng ta hóa trai[21] thủ thủy, ta dò núi tìm đường, ta quét sạch ma chướng. Đến chuyện Dương Hổ, Đường Tăng bảo ta không được trừ ác, lẽ nào trừ ác không phải vì lương thiện? Ông ta không biết phân biệt đúng sai, vong ân bội nghĩa, đã niệm “khẩn cô chú” thì chớ, lại còn quay mặt vô tình, đuổi cô ta đi. Nhớ lại năm đó ta ở Hoa Quả Sơn oai phong như thế nào, nay chạy theo một hòa thượng làm đồ đệ, còn bị xua đuổi không biết bao nhiêu lần, ta còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa? 

Bồ Tát trầm ngâm nói: 

- Trừ ác lương thiện cố nhiên là không sai, nhưng người coi thường nhân mạng như vậy cũng là một loại tàn nhẫn. Cho nên, người có hàng yêu diệt quỷ, công trạng lẫy lừng, nhưng cách xử sự của người với Dương Hổ hoàn toàn sai lầm. Vì sao vậy? Thảo khấu tuy rất hung ác, nhưng không thể xem họ là yêu ma được. Yêu ma từ tâm mà sinh ra, còn thảo khấu, cuối cùng vẫn là con người! 

Tôn Ngộ Không nghe Bồ Tát khuyên giải một hồi, trong lòng đã thấy hối hận, nhưng trên miệng vẫn chưa phục: 

- Cho dù là mắc chút sai lầm nhưng ông ta cũng không thể năm lần bảy lượt đuổi ta đi được! Lão hòa thượng đó không nghĩ thử xem, nếu không cô ta theo bảo vệ ông ta thì làm sao ông ta có thể an nhân đi thỉnh Kinh? 

Bồ Tát cảm thán nói: 

- A Di Đà Phật, đó là chỗ đáng kính của Đường Tăng. Ngươi hãy nghĩ xem, ông ấy trói gà không chặt nhưng lại có dũng khí khoan thứ cho những kẻ gian ác; ngươi thân mang tuyệt kỹ, võ nghệ cao cường, vì sao lại không thể làm được điều đó? 

Tôn Ngộ Không lúc này mới cúi đầu nói: 

- Đệ tử biết mình sai rồi. Nhưng chuyện đã đến nước này, dù con có trở lại đường lấy Kinh, thì sư phụ chắc gì đã đồng ý. 

Quan Thế Âm Bồ Tát tọa trên đài sen, vận tâm tam thế, dùng con mắt từ bi quan sát vũ trụ, nói với Tôn Ngộ Không: 

- Ngộ Không, sắp tới sư phụ người trong khoảnh khắc sẽ có nạn thương thân, không lâu nữa ông ta sẽ lại tìm người. Cho đến khi nào người còn đi theo Đường Tăng, cùng đi Tây Thiên thỉnh Kinh thì sẽ đắc thành chính quả. 

Tôn Ngộ Không số hai 

Lại nói về Đường Tăng, sau khi đuổi Tôn Ngộ Không đi, ba thầy trở lại tiếp tục lên đường. Đi được độ 50 dặm, thầy trò vừa đói vừa khát. 

Trư Bát Giới nói: 

- Sư phụ hãy xuống ngựa nghỉ ngơi, con đi xem gần đây có nhà dân không, đến hóa một chút cơm chay cho người. 

Nói rồi y bưng bát đi về hướng Nam. Đợi khá lâu không thấy Bát Giới trở về, Sa Tăng nói: 

- Sư phụ, để con đi tìm nhị sư huynh, xin người đừng sốt ruột. 

Rồi Sa Tăng cũng men theo con đường nhỏ đi tìm Bát Giới. 

Đường Tăng ngồi một mình ở đó, đói khát đến hoa mắt. Đang định nhắm mắt dưỡng thần bỗng nghe thấy một âm thanh rất lớn, mở mắt ra nhìn, nguyên là Tôn Ngộ Không đứng quỳ bên đường, hai tay bưng một bát nước, nói: 

- Sư phụ, không có Lão Tôn ngay đến nước Người cũng không có mà uống. Bát nước sạch này là để Người giải khát! 

Đường Tăng vẫn cố chấp nói: 

- Dù ta có khát chết cũng không uống nước của ngươi! Ngươi đi đi! 

Tôn Ngộ Không nói: 

- Vì sao Người nhất định phải đuổi con đi? Không có con, Người làm sao có thể đến Tây Thiên được?

Đường Tăng bất chợt bị chọc giận, mắng: 

- Nói vậy hôm nay chúng ta đến được nơi đây hoàn toàn dựa vào công lao của người sao? Ngươi không đi đi còn quay về đây làm gì? 

Tôn Ngộ Không cũng không nhịn được nữa, trở mặt trách: 

- Đường Tăng ơi Đường Tăng, ta theo ông trải qua muôn vàn gian khổ, nay ông nhẫn tâm hắt hủi ta! 

Nói rồi, y hung hăng ném bắt nước, đánh một quyền vào ngực Đường Tăng khiến ông ngã lăn ra đất, lại lục lọi hành lý lấy đi hai tay nải, sau đó nhảy lên cân đẩu vân biến mất tích. 

Giả danh đi lấy Kinh 

Trư Bát Giới và Sa Tăng hóa được cơm chay trở về, thấy sư phụ ngã lăn bên đường, hành lý bị lục lọi tứ tung, cho rằng là dư đảng của bọn thảo khấu tìm đến báo thù. Đến lúc cứu được sư phụ tỉnh dậy mới biết là do Tôn Ngộ Không gây ra. 

Trư Bát Giới tức giận đến dựng cả hai tai, mắng: 

- Con khỉ khốn kiếp, không ngờ ngươi lại trở mặt vô tình như vậy! 

Đường Tăng thở không ra hơi nói: 

- Nhớ lại khi ta đuổi nó đi, lời nói đúng là có hơi gay gắt một chút, lẽ nào đã làm cho nó đau lòng. 

Rồi lại phải Sa Tăng đến Hoa Quả Sơn, dặn Sa Tăng chỉ cần lấy tại tay nải, không được tranh cãi. 

Sa Tăng bay trên không trung ba ngày ba đêm, cuối cùng đến được Hoa Quả Sơn. Chỉ thấy khắp núi đều là khỉ, khắp nơi đều huyên náo. Đến gần nhìn kỹ thì thấy Tôn Ngộ Không đang ngồi trên một mỏm đá cao, hai tay cầm hai tờ giấy, miệng lầm nhầm đọc. Sa Tăng nghiêng tai lắng nghe, nguyên y đang đọc thẻ thông quan của sự phụ, thẻ bài viết: “... Pháp sư Huyền Trang, vượt trăm sông ngàn núi, thỉnh cầu kinh kệ, các nước Tây bang, không diệt thiện duyên, chiếu thẻ thi hành...” 

Sa Tăng nhịn không được lớn tiếng gọi: 

- Đại sư huynh, sư phụ chấp pháp có chút sai sót với huynh. Đại sư huynh trong lúc nóng giận đánh ngã sư phụ cũng có thể lý giải được. Mong đại sư huynh nhớ ơn sư phụ giải thoát cho huynh tại Ngũ Hành Sơn, theo tiểu đệ quay về, cùng sư phụ đến Tây Thiên. Còn nếu sư huynh ôm oán hận trong lòng, không chịu cùng đi thì vạn lần xin sư huynh trả lại tay nải cho tiểu đệ, lẽ nào để sư phụ lâm nạn? 

Tôn Ngộ Không cười nhạt nói: 

- Hiền đệ, ta lấy hành lý của Đường Tăng là có dụng ý. Ta đã thuộc thẻ thông quan rồi, không cần đến Đường Tăng kia nữa, ta tự mình đến Tây Thiên bái Phật cầu kinh, một mình hưởng chính quả, chẳng phải rất tuyệt hay sao? 

Sa Tăng cười nói: 

- Trên thẻ thông quan đó viết tên của sự phụ, lẽ nào Phật Tổ chịu truyền kinh cho huynh? 

Tôn Ngộ Không cười nói: 

- Hiền đệ, lẽ nào dưới gầm trời này lại không có Đường Tăng thứ hai sao? 

Nói rồi gật đầu gọi: 

- Các con, mau mời sư phụ đến. 

Một lát sau. quả nhiên xuất hiện một Đường Tăng, phía sau là Trư Bát Giới, dắt một con Bạch Mã và một Sa Tăng đang cõng hành lý. 

Đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài này cuối cùng đã khiến Sa Tăng phải nổi giận, trong Tây du ký đây là hiện tượng có một không hai. Tục ngữ có câu, thỏ lúc bức bách cũng biết cắn người. Tình huống nổi giận của Sa Tăng cũng giống như con thỏ phải cắn người vậy. Sa Tăng nói: 

- Yêu quái từ đâu đến? Dám biến thành tướng mạo của lão Sa ta, lại còn định giả mạo thẻ bài để đến Tây Thiên! Hãy nhận một trượng của ta! 

Nói rồi hai tay vung bảo trượng, một trượng đánh chết Sa Tăng giả, vốn là một con khỉ thành tinh. 

Không đợi hầu vương ra lệnh, bầy khỉ lập tức vây chặt lấy Sa Tăng. Sa Tăng xung đông kích tây, chớp cơ hội tung thân nhảy lên không trung biến mất như một trận gió. 

Hai Tôn Ngộ Không đánh nhau 

Sa Tăng rời khỏi Hoa Quả Sơn, cưỡi mây bay thẳng tới Nam Hải cầu cứu. 

Quan Thế Âm Bồ Tát đang thuyết pháp cho Tôn Ngộ Không, nghe nói có Sa tăng cầu kiến liền mỉm cười, gọi Sa Hành Giả vào. Sa Tăng vái Bồ Tát ngẩng đầu lên định nói thì nhìn thấy Tôn Ngộ Không đang ngồi bên cạnh, tức thời lửa giận xung lên, giơ thiền trượng Bảo Nguyệt đánh tới. Bạn xem tuýp người điềm đạm không dễ nổi nóng, nhưng một khi đã nổi nóng thì khó mà dập tắt được. 

Tôn Ngộ Không thấy tình thế nguy cấp, lập tức nghiêng mình né trốn vào trong ánh hào quang của Bồ Tát. Sa Tăng đành phải dừng tay, miệng vẫn còn mắng: 

- Con khỉ khốn kiếp kia! Ngươi đánh ngã sư phụ, cướp lấy thẻ thông quan, làm một đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài, tội ác tày trời, nay người lại đến đây để lừa dối Bồ Tát phải không? 

Quan Thế Âm Bồ Tát nói: 

- Ngộ Tĩnh, không phải như lời người nói đâu. Đại sư huynh người ở chỗ ta đã bốn ngày rồi, ngày ngày nghe ta thuyết pháp, làm sao có thể phạm tội ác tày trời được? Ngươi phải nói cho rõ, không được đổ oan cho người tốt. 

Sa Tăng bèn đem toàn bộ đầu đuôi câu chuyện thuật lại, nói xong còn nhìn Tôn Ngộ Không, lửa hận vẫn cháy bừng bừng. 

Bồ Tát nói: 

- Ra là vậy. Ta cho Tôn Ngộ Không đi cùng người. Là thật hay giả, đến lúc đó tự nhiên sẽ rõ. 

Tôn Ngộ Không nghe lời, cùng Sa Tăng bay về Hoa Quả Sơn. Tôn Ngộ Không cưỡi cân đẩu vân bay nhanh, Sa Tăng lại kéo chậm lại, sợ y đi trước một bước lại làm chuyện gì mờ ám. 

Hai huynh đệ đến Hoa Quả Sơn, quả nhiên có một Tôn Ngộ Không giả, ngồi trên mỏm đá cao, cùng bầy khỉ uống rượu tác lạc. Tôn Ngộ Không nổi cơn thịnh nộ, vung tay thoát khỏi Sa Tăng, rút gậy Như Ý chỉ về phía con khỉ mắng: 

- Ngươi là yêu quái phương nào ? Dám biến thành tướng mạo của ta, chiếm động phủ của ta, trước mặt con cháu ta tác oai tác quái! 

Tôn Ngộ Không giả kia cười nhạt, không thèm đáp lại, cũng rút ra một cây gậy Như Ý. Hai Tôn Ngộ Không xông vào ẩu đả, dung mạo giống nhau, thân thủ giống nhau, giọng nói tiếng hét cũng giống nhau, khiến người xem hoa mắt chóng mặt, khó có thể phân biệt thật giả. 

Ai có thể phân biệt thật giả 

Lại nói về hai Tôn Ngộ Không giống hệt nhau đánh nhau kịch liệt không phân thắng bại. Đánh đến Tận Nam Hải, hai Ngộ Không cùng kêu lên: 

- Đi, ta và người cùng đến gặp Bồ Tát để phân biệt thật giả!

Bồ Tát cũng mất nữa ngày quan sát mà chưa phân đúng sai, đành phải gọi Mộc Xoa hành giả và Thiện Tài đồng tử đến, căn dặn: 

- Các ngươi, mỗi người kéo một Tôn Ngộ Không, đợi ta niệm “Khẩn cô chú” người nào đau đầu là thật, người nào không đau là giả. 

Bồ Tát thầm niệm chân ngôn, cả hai Tôn Ngộ Không đều nhất tề ôm đầu vật lộn, kêu lên: 

- Đừng niệm, đừng niệm! 

Bồ Tát thấy không khả thi, nói: 

- Ngộ Không, người năm đó lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh, những thiên binh, thiên tướng ở đó đều nhận ra ngươi, ngươi hãy tìm họ nhờ họ phân biệt! 

Hai Tôn Ngộ Không lại kéo nhau lên thiên đình. Ai ngờ chúng thần đứng nhìn cả ngày cũng không thể phân biệt được. Ngọc Hoàng Đại Đế ra lệnh cho Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh lấy kính chiếu yêu, trong kính vẫn là hình ảnh của hai Tôn Ngộ Không, y phục và thân thể đều không hề khác biệt. 

Vừa khéo Sa Tăng cũng đã trở về, liền thở dài nói:

- Hai vị hãy dừng tay, để sư phụ ta đến phân biệt thật giả cho hai người. 

Bèn cùng với Trư Bát Giới mỗi người kéo một Tôn Ngộ Không, xin sư phụ niệm “Khẩn cô chú”. Hai Tôn Ngộ Không đều kêu la thảm thiết, quằn quại dưới đất. Đường Tăng đành phải dừng lại, vẫn không thể phân biệt được chân giả. Hai Tôn Ngộ Không lại quấn lấy nhau tiếp tục ẩu đả, thoắt cái đã không thấy tăm tích. 

Đường Tăng quay đầu hỏi Sa Tăng, vì sao không lấy được tay nải về? Sa Tăng nói: 

- Con quanh quẩn ở ngoài động Thủy Liêm nữa ngày mà không thể biết làm thế nào để vào động ? 

Trư Bát Giới nói: 

- Năm xưa khi ta từng ở Hoa Quả Sơn nửa tháng nên biết ra vào như thế nào ? 

Chúng ta đều biết, động Thủy Liêm kỳ thực là chỉ thế giới nội tâm trong mỗi con người, cho nên lời đối thoại của hai huynh đệ cũng rất có ý nghĩa. Mẫu người hòa bình như Sa Tăng có thể dĩ hòa vi quý, rất đáng tín nhiệm, nhưng lại rất khó dốc hết chân tâm cho một người, cho nên sẽ không biết được giá trị của tâm linh và tình cảm. Mẫu hình hoạt bát như Trư Bát Giới lại hoàn toàn ngược lại, y thiên chân xán lạn, nhiệt tình có dư, khuyết điểm là tình cảm hóa, dễ quên trách nhiệm. Cho nên hai loại tính cách này, một loại là có thể dựa mà không đủ chân thành, một loại là đủ chân thành những không thể dựa được. 

Đường Tăng liền nói: 

- Bát Giới, con đã biết ra vào động Thủy Liêm như thế nào, vậy hãy nhân cơ hội hai Tôn Ngộ Không đang đánh nhau, nhanh đi lấy tay nải về. 

Trư Bát Giới cười nói: 

- Sư phụ hà tất phải vội? Chẳng bằng đợi cho hai Tôn Ngộ Không phân được thật giả, sẽ bảo y tự mình đi lấy có tốt hơn không. 

Đường Tăng buồn rầu nói: 

- Cho dù hai con khỉ kia có phân biệt được thật giả cũng không cần nó quay lại nữa. 

Mẫu người cầu toàn chính là như vậy, đối đãi với người rất chân thành, nhưng cũng hận sâu thù dai. 

Bộ mặt thật của Tôn Ngộ Không số hai

Hai Tôn Ngộ Không lại kéo nhau đến âm tào địa phủ. Địa Tạng Bồ Tát nói: 

- Hai người dung mạo giống hệt nhau, thần thông như nhau. Cho dù ta có phân biệt được thật giả thì cũng sẽ đắc tội với một người. Bất luận ta đắc tội với ai thì e rằng đều bị đại náo âm tào địa phủ. Chẳng bằng, các người hãy đến Linh Sơn tìm Phật Tổ Như Lai. Người thần thông quảng đại, nhất định có thể phân biệt được. 

Hai Tôn Ngộ Không đều cho là phải, nhất tề cưỡi mây đạp gió tiến thẳng về hướng Tây. 

Phật Tổ Như Lai đang thuyết pháp cho thánh chúng, bỗng nghe thấy có tiếng huyên náo từ xa đến gần. Nguyên là hai Tôn Ngộ Không đã đánh nhau đến tận Linh Sơn. Hộ Pháp Kim cương vội vàng nói: 

- Để con đi khống chế hai con khỉ này, tránh chúng làm loạn pháp hội. 

Như Lai cười nói: 

- Thiên hạ vô sự không thể thuyết pháp. Hãy nghe xem họ nói như thế nào. 

Hai Tôn Ngộ Không bèn bái trước tòa hoa sen của Phật Tổ, tranh nhau chỉ trích đối phương lấy giả loạn thật. 

Vừa hay Quan Âm Bồ tát đến. Như Lai hỏi: 

- Tôn giả Quan Thế Âm, con xem hai Ngộ Không này, ai thật ai giả ? 

Quan Âm Bồ Tát nói: 

- Đệ tử đã nghĩ đủ phương pháp nhưng không thể phân biệt được thật giả. Nay xin Như Lai phân biệt cho họ. 

Như Lai cười nói: 

- Thế gian có một loại khỉ, gọi là khi sáu tai. Loại khỉ này rất giỏi nghe tâm sự của người khác, nên phàm người khởi tâm động niềm loài khỉ này đều có thể hiểu được. Loài cùng hình dạng, âm thanh với Tôn Ngộ Không thật chính là khỉ sáu tai. 

Trong họ linh trưởng hoàn toàn không có loài khỉ sáu tai. Nó chỉ là một vọng niệm, khác tâm khác đức với đoàn lấy Kinh xuất phát từ nơi sâu thẳm trong nội tâm của Tôn Ngộ Không, là một biến dị trong lòng Tôn Ngộ Không, vì thế cũng giống như dung mạo của Tôn Ngộ Không, bản lĩnh cũng thật giống hệt nhau. Sự tranh đấu của hai Tôn Ngộ Không phản ánh một cách sinh động mâu thuẫn và nỗi thống khổ sâu thẳm trong nội tâm của Tôn Ngộ Không. Kính chiếu yêu, “khẩn cô chú” đều mất tác dụng chính là ẩn dụ cho sự u mê, không thể dựa vào phép thuật để phân biệt thật giả, duy chỉ có nhìn thẳng vào tâm mới có thể soi chiếu được sự biến đổi trong tâm. Nhà tâm lý học nổi tiếng Vương Dương Minh[22] từng nói: “Phá giặc trong núi dễ, phá giặc trong tâm mới khó.” Giặc trong tâm là chỉ khuyết thiếu về đạo đức. Theo cách nói của Mạnh Tử nếu phá trừ được nó thì sẽ có thể trở thành đại trượng. Từ đó có thể thấy, chiến thắng bản thân mình hoàn toàn không phải là chuyện dễ. 

Con khỉ sáu tai kia liền hiện nguyên hình. Tôn Ngộ Không không kiềm chế bèn rút gậy Như Ý đánh chết. Cuối cùng Tôn Ngộ Không đã chiến thắng được bản thân mình, đã lấy lại được sự bình yên và điềm tĩnh trong tâm. 

Tiếp tục hành trình đi lấy Kinh 

Có người nói, nếu Tôn Ngộ Không số hai chiến thắng Tôn Ngộ Không số một thì đó không phải là vấn đề thật giả của Tôn Ngộ Không mà là vấn đề thật giả của đoàn lấy Kinh. Trong cuộc sống xã hội hiện thực, đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài kia không nhiều? Lại có người nói, bất kể thẻ bài là giả hay là thật, chỉ cần lấy được chân Kinh thì chẳng phải đều thành công hay sao? 

Câu trả lời là, dù cho đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài có đi đến đâu nhưng khẳng định rằng, không thể nào lấy được chân Kinh. Cho dù họ có giỏi che giấu đến mức nào, cuối cùng họ cũng sẽ thất bại. Cho dù họ có được chân Kinh từ Phật Tổ Như Lai thì một hòa thượng gian tà liệu có thể tụng kinh đúng được hay không? 

Tôn Ngộ Không anh hùng theo Quan Thế Âm Bồ Tát quay trở về đường Tây hành thỉnh Kinh. Bồ Tát bèn huấn giới: 

- Nay ta đích thân đưa Tôn Ngộ Không đến, hy vọng ngài có thể đồng tâm hợp tác, cùng chung tiến thủ. Con đường này ma chướng chưa hết, không có sự bảo hộ của Ngộ Không, ngài làm sao có thể đến được Linh Sơn? 

Bồ Tát cũng thừa hiểu bản tính của Đường Tăng đã đặc biệt căn dặn: “Hãy xá bỏ sân hận”, cũng không nên nhớ hận cũ. Đường Tăng vừa dập đầu vừa đáp: 

- Con nhất định sẽ tuân theo ý chí của ngài.

( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét