Ads 468x60px

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Những lời khuyên tốt nhất cho giấc ngủ trưa của bạn

1. Cách tiếp cận tích cực. Đừng cảm thấy tội lỗi khi bảo vệ thói quen ngủ trưa của mình. Thái độ của bạn càng tích cực bao nhiêu thì giấc ngủ của bạn càng có lợi bấy nhiêu. Nếu sếp hoặc đồng nghiệp của bạn không tán thành điều đó, hãy giải thích với họ rằng: “Những người ngủ trưa sẽ ít bị bệnh hơn. Một giấc ngủ ngắn vào giữa trưa là điều hoàn toàn phù hợp với nhịp sinh học của con người”. Một cuộc nghiên cứu của khoa Y trường Đại học Athens đã cho thấy rằng việc ngủ trưa sẽ giúp ta giảm 30% nguy cơ nhồi máu cơ tim. Các công ty như SAP (15) và Siemens đã xây dựng các khu nghỉ trưa cho nhân viên và việc này đã giúp năng suất lao động của nhân viên tăng lên đáng kể.

2. Sự thường xuyên. Nếu có thể, hãy cố gắng ngủ trưa vào cùng thời điểm và trong cùng điều kiện mỗi ngày. Giấc ngủ sâu vào thời điểm đó sẽ giúp bạn phục hồi sức khỏe nhiều gấp hai lần so với ngủ vào những khoảng thời gian khác trong ngày. Nếu bạn không thể ngủ ở nơi làm việc, hãy ngủ một chút sau giờ làm việc, trước khi bắt tay vào các hoạt động giải trí.

3. Nếp sinh hoạt cố định. Hãy kết hợp nhiều yếu tố để có thể có được một giấc ngủ ngon: chiếc ghế dựa quen thuộc hoặc một tấm nệm nhỏ, tắt điện thoại, nới lỏng quần áo, vận động nhẹ và đọc các loại sách gây buồn ngủ. Hãy tìm kiếm phương pháp hữu hiệu với bản thân bạn nhất.

4. Căn phòng thật thoải mái. Hãy ngủ trong một căn phòng quen thuộc mà bạn thấy thoải mái và an toàn. Căn phòng nên yên tĩnh, hơi tối và có nhiệt độ thích hợp.

5. Quan trọng là chất lượng, không phải số lượng. Tác dụng hồi phục sức khỏe của giấc ngủ trưa được quyết định chủ yếu qua thời điểm ngủ chứ không phải thời gian của giấc ngủ. Một giấc ngủ ngắn vào thời điểm thích hợp nhất (khi khung cửa sổ của giấc ngủ mở ra) có tác dụng hồi phục sức khỏe bằng hoặc nhiều hơn một giấc ngủ trưa kéo dài. Thời gian ngủ từ bốn phút đến hai mươi phút là thích hợp nhất.

6. Bạn có thể ngủ ở bất kỳ đâu. Bạn có thể chọn ngủ theo tư thế “người đánh xe ngựa” với hai chân dang rộng trên một cái ghế đẩu. Nghiêng đầu và thân trên về phía trước một chút, tì bàn tay và cánh tay lên đùi và đầu gối của mình.

Trong phòng chờ, trên xe lửa và các tình huống tương tự, hãy ngồi thẳng lưng, vững chãi, đầu nghiêng về phía trước hoặc ngả ra sau. Một điều quan trọng mà bạn nên ghi nhớ là đừng bao giờ ngồi bắt chéo chân. Nếu bạn đang ngồi ở bàn làm việc thì hãy đặt tay và khuỷu tay thật thoải mái trên mặt bàn rồi ngả đầu lên cánh tay mình. Một lựa chọn khác là hãy gối đầu bằng chiếc cặp da (nếu nó phẳng và không quá cứng) hoặc một chiếc áo khoác hay áo thun được xếp lại.

7. Hãy lắng nghe cho đến khi bạn thấy mệt. Hãy nghe nhạc êm dịu, hoặc âm thanh từ chiếc quạt hay chiếc máy điều hòa. Tiếng động càng đều đặn và nhịp nhàng bao nhiêu thì bạn càng dễ ngủ bấy nhiêu. Hoặc bạn có thể tưởng tượng ra mình đang nằm trong một túp lều trên đảo Fiji ngoài biển Thái Bình Dương và lắng nghe tiếng sóng vỗ từ xa vọng lại.

8. Ăn uống có lợi cho việc ngủ nghỉ. Những thức ăn có chứa carbohydrate sẽ giúp bạn dễ ngủ và ngủ được lâu hơn: Một mẩu bánh mì, khoai tây, một ít kẹo, một ly sữa. Đừng uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ.

9. Thức dậy đúng cách. Đừng ngồi dậy đột ngột. Hãy dành một khoảng thời gian để cơ thể bạn làm quen với việc thức dậy, bằng với thời gian mà bạn chuẩn bị ngủ. Hãy giúp cơ thể mình thức giấc bằng cách hít thở một cách có ý thức. Việc vươn vai và ngáp sẽ giúp bạn tỉnh ngủ. 

Rửa mặt bằng nước lạnh (rất tốt đối với người bị huyết áp thấp), đánh răng, uống một cốc nước lạnh và ăn một chút gì đó có chứa protein (ví dụ: sữa chua) sẽ giúp não tạo ra các chất truyền dẫn thần kinh có tác dụng kích thích.

10. Bạn có kiên quyết phản đối việc ngủ trưa không? Một số người cảm thấy mệt mỏi sau một giấc ngủ ngắn nên quyết định không ngủ trưa. Thông thường, bạn chỉ tốn từ bốn đến năm ngày để chuyển từ người chống ngủ trưa thành người hăng hái ngủ trưa. Việc điều chỉnh này đặc biệt cần thiết khi bạn nhận thấy mình đang già nhanh và năng suất làm việc ngày càng bị giảm sút. Có những trường hợp phải cần đến hai mươi ngày để thiết lập cho mình thói quen mới. Sau giai đoạn này, bạn sẽ thích nghi với giấc ngủ ngắn và tâm trạng của bạn cũng sẽ trở nên tốt hơn nhiều.

( Source : Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét