Ads 468x60px

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tại sao việc đối thoại lại có tác dụng tốt như thế?

Moeller cho biết mỗi đôi uyên ương sống trong một thế giới thực được nhân đôi – thế giới thực của chính bản thân họ và thế giới thực của người bạn đời. Nếu mỗi người đều cố gắng tìm hiểu thế giới thực của người kia thì mối quan hệ của cả hai sẽ không ngừng được vun đắp. Tuy nhiên, nếu mỗi người chỉ muốn thuyết phục đối phương tin rằng chỉ thế giới thực của họ là tốt thì mối quan hệ sẽ sụp đổ từ bên trong. Đó là lý do tại sao yêu cầu quan trọng nhất trong một cuộc đối thoại là cả hai thế giới thực phải bình đẳng với nhau.

Trong cuộc đối thoại, cả hai cần học hỏi năm sự thật vĩ đại sau:

1. “Anh/em chứ không phải em/anh”. Bạn cần hiểu rằng cả hai người biết về nhau ít hơn so với những gì hai bạn nghĩ. Trong một mối quan hệ dài lâu, mỗi người đều không ngừng yêu cầu, đòi hỏi người kia. Moeller mô tả việc này là “sự phụ thuộc hóa lẫn nhau” hoặc “chủ nghĩa phân biệt giữa đôi uyên ương”: mỗi người đều âm thầm tin tưởng rằng theo cách nào đấy, họ tốt hơn người kia. Một cuộc đối thoại chân thành sẽ chấm dứt quan điểm này.

2. “Chúng ta là hai mặt của cùng một mối quan hệ”. Bên cạnh đó, cả hai cần học cách không xem nhau là những cá thể độc lập mà là một đôi uyên ương đã và đang trưởng thành cùng nhau từ trong tiềm thức. Bản chất của tình yêu là những gì liên quan đến tâm hồn. Thậm chí, ngay cả những phẩm chất tồi tệ nhất của người bạn đời cũng thuộc về cả hai người. Chẳng hạn, nếu người bạn đời giấu giếm bạn một điều gì đó bởi vì họ cảm thấy xấu hổ thì đó không phải là lỗi lầm của riêng họ. Nếu thú nhận điều đó với một người khác, hẳn người đó đã không thấy xấu hổ như thế. Khi đã tiếp thu kiến thức cơ bản này, bạn sẽ không còn đổ lỗi cho người bạn đời của mình nữa. Điều này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong mối quan hệ của bạn. 

3. “Trò chuyện là đặc quyền của con người”. Hãy ghi nhớ rằng bạn chỉ có thể thay đổi bản thân mình chứ không thể thay đổi được người khác dù có cố gắng đến đâu chăng nữa. Bạn biết rằng việc trò chuyện không chỉ  giúp bạn thiết lập mối quan hệ với người kia mà còn với chính bản thân bạn. Điểm cần chú ý trong hầu hết các mối quan hệ không phải là “sự nghèo nàn đôi lứa” mà chính là “sự nghèo nàn cái tôi”. Người ta kỳ vọng ở đối phương những thứ mà họ chỉ có thể tự đạt được mà thôi: lòng tự trọng, sự thỏa mãn, niềm tin vào tương lai cũng như niềm vui trong cuộc sống.

4. “Kể cho nhau nghe những câu chuyện bằng hình ảnh”. Thay vì chỉ nhớ mơ hồ, hãy học cách ghi nhớ những khung cảnh cụ thể. Thay vì nói: “Anh thấy em thật tuyệt vời”, hãy nói: “Sáng nay anh thấy em đang đạp xe ở một góc đường, áo khoác của em bay trong gió còn những giọt nắng thì như đang nhảy múa cùng tóc em. Anh nghĩ em thật tuyệt vời làm sao”. Cuộc sống nội tâm của bạn cũng sẽ trở nên giàu có hơn với những hình ảnh đó. Hai bạn sẽ bắt đầu thấu hiểu được giấc mơ của mình và xem đó như trải nghiệm chung mà trong đó, mỗi người đều đến được tiềm thức chung của người kia.

5. “Tôi chịu trách nhiệm về cảm giác của chính mình”. Việc học cách thấu hiểu các cảm giác của chính mình là hành động của tiềm thức - bạn không nghĩ rằng các cảm giác ấy đến với bạn theo định mệnh hoặc chúng được tạo ra ở bên ngoài con người bạn. Bạn học cách diễn đạt cảm xúc của mình một cách rõ ràng hơn và tự kiểm soát bản thân tốt hơn nhờ vào việc bạn không còn bị chi phối bởi những cơn bốc đồng.

( Source : Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét